Định vị “cơ hội vàng” FDI
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), nhận xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng, những dự án lớn có hàm lượng công nghệ và năng lực quản trị cao, tạo sức lan tỏa và động lực kích thích tăng trưởng cho doanh nghiệp (DN) trong nước.
Phóng viên: Thưa ông, phải chăng làn sóng đầu tư FDI lần này được ví như “cơ hội vàng” đối với Việt Nam?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Chúng ta thường nói thời điểm hiện nay là “cơ hội vàng”, song theo tôi cần định vị lại “cơ hội vàng” thu hút FDI lần này là gì? Chúng ta vẫn hay dùng khái niệm chuyển dịch dòng vốn FDI, song chính xác phải là tái cơ cấu dòng vốn FDI. Tôi cho rằng trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng ta ít nhất có 3 cơ hội để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn.
Lần thứ nhất khi Việt Nam đàm phán để tham gia CPTPP. Lúc này đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lớn đến Việt Nam, thậm chí cả NĐT Trung Quốc. Họ đến đầu tư tại Việt Nam với dự định tận dụng khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ được xuất sang các thị trường trong khối này để hưởng ưu đãi thuế quan.
Lần thứ hai khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Điều này đã ảnh hưởng đến các NĐT quốc tế cả về thị trường đầu tư lẫn thị trường xuất khẩu, buộc họ phải tái cơ cấu lại vốn đầu tư. Tái cơ cấu ở đây là chuyển dịch phần vốn đầu tư để xuất khẩu sang thị trường Mỹ sang thị trường đầu tư khác. Khi tái cơ cấu phần xuất khẩu sang Mỹ, họ chuyển sang đầu tư ở thị trường Việt Nam.
Lần thứ ba chúng ta đón làn sóng dịch chuyển FDI trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến kinh tế toàn cầu tê liệt, các NĐT thấy rằng việc lệ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm. Do đó họ buộc phải tái cơ cấu để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường. Cuộc chuyển dịch làn sóng đầu tư FDI lần này các NĐT ở vào thế bị bất ngờ do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra quá nhanh.
Đánh giá của ông về sự hấp dẫn thị trường Việt Nam đối với NĐTNN so với các thị trường khác như thế nào?
NĐTNN sau khi dịch chuyển vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc, họ nhắm vào những địa chỉ cụ thể. Ở khu vực châu Á, họ hướng đến Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, ở châu Âu là các nước Đông Âu, ở châu Mỹ là Mexico. Vấn đề đặt ra ở đây là khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế chúng ta đến đâu. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm khi NĐT đến thị trường mình để tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ đòi hỏi cái gì.
Thời điểm hiện nay là cơ hội vàng để thu hút FDI, nhưng không có nghĩa cứ nhiều vốn đầu tư, nhiều dự án là “cơ hội vàng”, mà phải có chọn lọc, có công nghệ cao và phải có sự lan tỏa.
Thứ nhất, khi dịch chuyển vốn đầu tư, đi kèm là vấn đề công xưởng sản xuất, tức phải có sẵn mặt bằng để họ thuê làm nhà xưởng. Đất làm mặt bằng nhà xưởng phải theo ý NĐT, không phải theo kiểu quy hoạch manh mún hay đầu cơ của ta hiện nay. Qua các cuộc xúc tiến đầu tư, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc này.
Thí dụ, nhiều NĐTNN sẵn sàng đổ vốn vào Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, không đầu tư vào các tỉnh khác dù có sẵn đất. Vướng mắc hiện nay cần sớm khắc phục là đất công nghiệp tăng quá cao, khiến NĐT dè dặt.
Thứ hai, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề cập đến việc lao động tại chỗ phải được các DN đào tạo, nhưng muốn đào tạo phải có thời gian. Chúng tôi đang quan tâm đến lực lượng lao động xuất khẩu nước ngoài đã trở về nước.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm có khoảng 40.000 lao động từ nước ngoài trở về. Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể để tập hợp và kết nối họ lại, nhất là những lao động đã làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, vừa có tay nghề lại vừa quen với văn hóa lao động công nghiệp. Từ đó phân loại ra vùng miền, ngành nghề, sẽ có nguồn lao động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu DN nước ngoài.
Thứ ba, vấn đề khung khổ, hành lang pháp lý đối với NĐTNN. Hiện nay, có 2 luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Đây là cơ sở để NĐT yên tâm đầu tư và tạo cơ hội để Việt Nam có thể thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng cao.
Để cải thiện khả năng hấp thụ dòng vốn FDI có chất lượng cần phải chú ý đến vấn đề gì, thưa ông?
Tôi lấy thí dụ việc xây dựng các khu công nghiệp cho NĐTNN thuê. Giờ đây không phải cứ có đất, có nhà xưởng là họ thuê. Xu thế chung phải có mô hình khu công nghiệp thông minh theo các hệ sinh thái. Hệ sinh thái ở đây là sự phối hợp giữa nhà ở công nhân với các dịch vụ đi kèm theo phong cách văn hóa của NĐT.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam, đặc biệt là những dòng vốn lớn, có chất lượng cao, hàm lượng công nghệ tiên tiến vẫn chưa được nhiều. Chúng ta đã nhìn ra hạn chế này song đáng tiếc đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50, trong đó trọng tâm đặt ra phải thu hút vốn đầu tư có chọn lọc. Theo định hướng này, hy vọng sẽ thu hút được các dòng vốn, những dự án có chất lượng. Các dòng vốn FDI đầu tư vào các dự án phải có hàm lượng công nghệ cao, phải tạo ra được sự lan tỏa, trở thành lực đẩy để kéo DN trong nước vươn lên cùng phát triển.
Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có những điều khoản đi kèm việc ưu đãi thuế đối với DN FDI, với tiêu chí DN FDI khi vào đầu tư phải cam kết để DN Việt Nam cùng tham gia chuỗi sản xuất. Cam kết này cũng đồng nghĩa với gắn với liên kết sản xuất trong nước cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông.