Đô la chao đảo khi xuất hiện dấu hiệu kinh tế toàn cầu phục hồi
Đồng đô la chịu áp lực mất giá trong phiên giao dịch hôm nay, 24/6, sau khi dữ liệu lạc quan về kinh tế châu Âu thúc đẩy đồng euro tăng giá và giúp khơi dậy hy vọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với các loại tiền tệ rủi ro hơn.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực đồng euro của IHS Markit - một thước hoạt động kinh tế, vượt qua mọi kỳ vọng để tăng lên tới 47,5 điểm trong tháng Sáu, từ 31,9 điểm của tháng Năm.
Mặc dù vẫn dưới 50 điểm - ngưỡng phân tách giữa sự thu hẹp và mở rộng của sản xuất, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ của PMI khu vực đồng euro, cùng với dữ liệu lạc quan về ngành sản xuất ở Anh và Mỹ, đã phục hồi niềm tin rằng sự tăng trưởng đang trên đường lấy lại tốc độ.
Ngay lúc này, nó dường như cũng là đủ để gạt đi phần nào lo lắng về sự gia tăng trở lại các trường hợp lây nhiễm virus corona tại Mỹ - nguyên nhân khiến thị trường "đặt cược" vào vàng khiến kim loại quý này tăng giá mạnh mẽ, trong khi bạc xanh mất giá.
Đồng euro đang hướng đến tháng có mức giá tốt nhất so với đô la kể từ tháng 10 năm ngoái, và trong phiên sáng nay đã quay trở lại mức tăng cao nhất một tuần trong giao dịch qua đêm, giá gần nhất là 1.1321 USD/EUR.
Trong khi đó, đô la Úc nhạy cảm với rủi ro hơn đã dẫn đầu nhóm thay đổi giá mạnh trong buổi sáng nay, với mức tăng 0,3% lên 0,6952 USD/AUD, đẩy đô la Mỹ về đáy giá so với đô la Úc trong vài tuần gần đây.
Nhưng đô la New Zealand đã giảm nhẹ trong phiên, về mức 0,6477 USD/NZD, sau khi ngân hàng trung ương của nước này cho biết rủi ro kinh tế vẫn còn và họ đang chuẩn bị sử dụng các công cụ tiền tệ bổ sung khi cần thiết.
"Chúng tôi vẫn thấy tồn tại những nhân tố ngăn cản sự phục hồi kinh tế, đồng thời là quan ngại đâu đó về sự lây lan trở lại của virus", Kim Mundy, chuyên gia phân tích ngoại hối của Commonwealth Bank of Australia tại Sydney nói. "Tuy nhiên chỉ qua một đêm, các chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng, PMI ở Anh tăng và PMI ở Mỹ cũng tăng, thì chúng ta có thể thấy rõ sự phục hồi, và nó giúp củng cố các loại tiền tệ hàng hóa".
Tâm lý thị trường tích cực hơn đã nâng đỡ đồng bảng Anh lên mức cao, tới 1,2524 USD/GBP, và giúp nó vượt qua mức thấp nhất ba tháng so với đồng euro.
Đồng yên giữ mức tăng qua đêm ở 106,46 JPY/USD, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trước thông tin SoftBank bắt đầu bán 21 tỷ đô la cổ phần của mình tại T-Mobile của Mỹ.
Các thay đổi lớn nói trên diễn ra bất chấp sự gia tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm virus mới.
Tuần thứ hai liên tiếp, Texas, Arizona và Nevada của Mỹ đã lập kỷ lục về sự bùng phát virus corona và 10 tiểu bang khác từ Florida đến California vẫn còn đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm mới.
Úc đã báo cáo ca chết do Covid-19 đầu tiên sau hơn một tháng, trong bối cảnh các trường hợp lây nhiễm mới ở bang Victoria gia tăng - nơi một số hạn chế tụ tập đông người đã được áp dụng trở lại.
Các nhà đầu tư cho đến nay vẫn kỳ vọng rằng sự bùng phát ca lây nhiễm mới sẽ không thúc đẩy chính quyền áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài thêm, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới, khi chúng tôi nhìn nhận mọi vấn đề rõ ràng hơn, các thống đốc bang sẽ có thể quyết định cách thức hành động phù hợp", Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng của RBC Capital Markets tại Mỹ, nói. "Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự thay đổi tiêu cực nào trong hành vi của người tiêu dùng".