Triển vọng kinh tế thế giới 2020

Theo Linh Nga/enternews.vn

Xu thế dịch chuyển khỏi Trung Quốc do chi phí và rủi ro tăng sẽ định hình lại mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu (phân kỳ thay vì tập trung)...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo thường niên 2020 với chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển” của nhóm nghiên cứu VEPR (trường ĐH Kinh tế Quốc dân).

Nói về các triển vọng thương mại toàn cầu, nhóm nghiên cứu cho rằng các nhân tố ảnh hưởng chính gồm những rủi ro từ địa chính trị, sự khó đoán định liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác, đặc biệt căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng sau các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại cùng sự đổi hướng toàn cầu hóa sau đại dịch; Mức độ tái cấu trúc của một số nền kinh tế chủ chốt, vốn đã hiện diện từ trước khi đại dịch bùng phát, bao gồm Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác; tái cấu trúc trật tự thế giới (chiến tranh lạnh  mới).

FDI toàn cầu có thể suy giảm 30-40% trong giai đoạn 2020-2021 theo UNCTAD.
FDI toàn cầu có thể suy giảm 30-40% trong giai đoạn 2020-2021 theo UNCTAD.

Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) trong báo cáo mới đưa ra cho thấy, FDI toàn cầu có thể suy giảm 30-40% trong giai đoạn 2020-2021, chủ yếu do sụt giảm hoạt động đầu tư và M&A xuyên biên giới. Theo dự báo của WTO, khối lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 13% đến 32% trong năm 2020, do dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mọi yếu tố kinh tế, chính trị xã hội trên toàn thế giới.

Trong trường hợp lạc quan nhất, WTO dự báo thương mại thế giới năm 2020 sẽ sụt giảm 12,9% so với năm 2019, trong đó: khu vực Bắc Mỹ sụt giảm 17,1% xuất khẩu và 14,5% nhập khẩu; khu vực trung và Nam Mỹ sụt giảm 12,9% xuất khẩu và 22,2% nhập khẩu; Châu Âu sụt giảm 12,2% xuất khẩu và 10,3% nhập khẩu; Châu Á sụt giảm 13,5% xuất khẩu và 11,8% nhập k hẩu.

Trong trường hợp kém lạc quan hơn, thương mại toàn cầu được dự báo suy giảm 31,9%, trong đó: Bắc Mỹ suy giảm 40,9% xuất khẩu và 33,8% nhập khẩu; Trung và Nam Mỹ suy giảm 31,3% xuất khẩu và 43,8% nhập khẩu; Châu Âu sụt giảm 32,8% xuất khẩu và 28,9% nhập khẩu; Châu Á sụt giảm 36,2% xuất khẩu và 31,5% nhập khẩu.

Về triển vọng tài chính quốc tế, tác động tiêu cực của COVID-19 đã đẩy các ngân hàng trung ương vào trạng thái phòng thủ, với mục tiêu chính là bảo vệ nền kinh tế thay vì thức đẩy tăng trưởng.

Nhóm phân tích chỉ ra rằng, năm 2020 sẽ chứng kiến thêm nhiều gói hỗ trợ, cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân; lãi suất âm có thể trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới vào năm 2020. Giá dầu thô năm 2020 khó có thể hồi phục đà tăng vì tăng trưởng kinh tế thế giới bị điều chỉnh giảm do dịch bệnh khiến nhu cầu dầu thô thế giới sẽ giảm theo.

Bên cạnh đó, VEPR cho rằng xu thế dịch chuyển khỏi Trung Quốc do chi phí và rủi ro tăng sẽ định hình lại mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu (phân kỳ thay vì tập trung),  quá trình này có thể sẽ kéo dài trong thập niên tới

Hình thành trật tự thế giới mới (cuộc xung đột giữa các nền văn minh hay khả năng về một cuộc chiến tranh lạnh mới) phụ thuộc một phần vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Bởi vậy, VEPR cho rằng, ở bất cứ khả năng nào, kỳ vọng vào vai trò quyết định của Ấn Độ và vùng đệm ASEAN trong đó Việt Nam nằm trong vòng xoáy của những thay đổi và xung đột dữ dội trong tương lai.