Đo lường mức độ chấp nhận rủi ro trong doanh nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2020

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới, điều này đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam càng đa dạng, có nhiều biến động, thách thức. Với sự biến động của môi trường kinh doanh và những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh trong quá trình tăng trưởng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến công tác quản trị rủi ro. Mức độ chấp nhận rủi ro là mức rủi ro mà một doanh nghiệp và các nhà quản trị sẵn sàng chấp nhận để đạt được mục tiêu trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trong công tác quản trị rủi ro doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đo lường mức độ chấp nhận rủi ro và rủi ro thực tế, có như vậy doanh nghiệp mới có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp (DN) thường xuyên đối mặt với rủi ro. Việc tìm kiếm lợi nhuận của DN dường như phải song hành với rủi ro, tuy vậy, việc nhìn nhận rủi ro cũng có sự khác nhau. Theo trường phái truyền thống, rủi ro được xem là sự không may mắn, sự tổn thất, mất mát, nguy hiểm và là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của DN.

Theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho DN nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích từ những cơ hội. Quản trị rủi ro (QTRR) là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản trị tài chính của các DN. Thực tế hiện nay, nhiều DN chỉ mới chú trọng đến khả năng sinh lời trong hoạt động kinh doanh mà quên đi việc quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động, vì vậy, đã có nhiều DN đã rơi vào khủng hoảng và phá sản.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú và cũng thường xuyên biến động hơn. Cùng với việc tạo thuận lợi cho DN, sự biến động của môi trường kinh doanh và những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh trong quá trình tăng trưởng đòi hỏi các DN Việt Nam cần  chú trọng đến công tác quản trị rủi ro.

Mức độ chấp nhận rủi ro trong doanh nghiệp

Quản trị rủi ro hỗ trợ tích cực cho quản trị DN bằng cách cung cấp thông tin cho Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) các rủi ro chủ yếu và các biện pháp cần thực hiện. Một trong những mục tiêu chủ chốt trong hoạt động quản trị DN là đảm bảo DN hoạt động bền vững và liên tục tăng cường các giá trị như tài chính, thị phần, thương hiệu…

Quản trị rủi ro của DN là một quá trình được thực hiện bởi ban giám đốc, quản lý và nhân viên của tổ chức, được áp dụng trong từng bối cảnh cụ thể trên quy mô toàn DN. Hoạt động này được thiết kế để xác định các sự kiện tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến DN và quản trị rủi ro trong mức khẩu vị rủi ro, để cung cấp sự bảo đảm hợp lý về việc đạt được mục tiêu của DN (COSO, 2004).

 Thực hiện quy trình quản trị rủi ro, trước tiên DN phải nhận diện rủi ro đúng đắn, đầy đủ và kịp thời thì mới có biện pháp quản trị thích hợp, hiệu quả. Hoạt động nhận diện rủi ro chủ yếu là thu nhập các thông tin về: đối tượng có thể gặp rủi ro, nguồn phát sinh rủi ro. Tiếp đến là đo lường rủi ro, đây là quá trình đánh giá định tính hoặc định lượng mức độ nghiêm trọng của rủi ro tài chính trong DN nhằm phục vụ hoạt động quản trị rủi ro đạt hiệu quả. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng hay mức tổn thất rủi ro, nhà quản trị thuờng sử dụng 2 chỉ tiêu là mức độ tổn thất tối đa và khả năng xảy ra tổn thất. Cùng với nhận diện rủi ro và đo lường rủi ro, DN cần tăng cường công tác kiểm soát. Kiểm soát rủi ro tài chính là việc sử dụng các chiến lược, các chương trình hành động, công cụ, kỹ thuật phù hợp… nhằm ngăn ngừa, né tránh hoặc giảm thiểu những tổn thất do rủi ro có thể gây ra.

Hiện nay, khái niệm “mức độ chấp nhận rủi ro” và “khẩu vị rủi ro” được thay thế cho nhau. Theo đó, khẩu vị rủi ro là các loại hình rủi ro và mức độ rủi ro mà một DN và các nhà quản trị sẵn sàng chấp nhận để đạt được mục tiêu hoạt động kinh doanh. Khẩu vị rủi ro được thể hiện cả định tính và định lượng. Mức độ chấp nhận rủi ro của DN đóng vai trò nền tảng trong việc ra quyết định và có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả kinh doanh, cũng như sự sống còn của công ty trong dài hạn (Sanders & Hambrick, 2007). Mức độ chấp nhận rủi ro của DN phụ thuộc vào đặc điểm quản trị của DN như: Quy mô HĐQT; sự độc lập của HĐQT; sự hiện diện của thành viên HĐQT nữ; độ tuổi trung bình của thành viên HĐQT, sự kiêm nhiệm chức vụ CEO; sở hữu của HĐQT.

Mức độ chấp nhận rủi ro có thể được đo lường định tính bằng cách phân loại rủi ro thuộc nhóm trung bình hay thấp. Mỗi đơn vị và mỗi nhà quản trị có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Mức độ chấp nhận rủi ro có thể được đo lường định lượng bằng nhiều cách khác nhau. Trong nghiên cứu của Phùng Đức Nam (2017), phân tích dữ liệu là các công ty niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2007–2015 và biến chấp nhận rủi ro được đo lường bằng độ biến động lợi nhuận trên vốn (ROE), tác giả đã tìm thấy bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ cùng chiều giữa sở hữu nhà nước và hành vi chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết Việt Nam.

Đo lường mức độ chấp nhận rủi ro trong doanh nghiệp - Ảnh 1

Ngược với kết quả nghiên cứu của Phùng Đức Nam (2017), nghiên cứu của Võ Xuân Vinh (2016) tìm hiểu ảnh hưởng của sở hữu nước ngoài đối với hành vi chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết Việt Nam giai đoạn 2007-2014, với biến chấp nhận rủi ro được đo lường bằng độ biến động của lợi nhuận trên tài sản (ROA). Kết quả cho thấy, sở hữu nước ngoài có tác động ngược chiều với hành vi chấp nhận rủi ro của DN.

Nguyễn Hoàng Anh và cộng sự (2019) với mẫu nghiên cứu là các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2009-2018 và biến chấp nhận rủi ro được tính toán bằng độ lệch chuẩn của ROA có điều chỉnh với trung bình ngành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, HĐQT với quy mô lớn, nắm giữ cổ phần công ty nhiều sẽ làm tăng mức độ chấp nhận rủi ro của công ty. Ngược lại, HĐQT có sự hiện diện của thành viên nữ và có độ tuổi trung bình của các thành viên càng cao, thì mức độ chấp nhận rủi ro của công ty càng thấp.

Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để đo lường mức độ chấp nhận rủi ro của các DN. Mức độ chấp nhận rủi ro có thể đo lường bằng biến động của lợi nhuận trên ROA, biến động của lợi nhuận trên ROE hoặc độ lệch chuẩn của ROA có điều chỉnh với trung bình ngành. Tuy nhiên, mọi loại hình tổ chức, dù lớn hay nhỏ, đều phải đối mặt với các yếu tố và ảnh hưởng cả bên trong, bên ngoài chi phối hoặc tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Do vậy, mức độ chấp nhận rủi ro được tính toán bằng độ lệch chuẩn của ROA có điều chỉnh với trung bình ngành....

Cơ sở đo lường mức độ chấp nhận
rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, theo đó các DN không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước mà còn phải cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn chung từ nền kinh tế như: lạm phát, suy thoái... Trong bối cảnh đó, DN đã nhận thấy tầm quan trọng của quản trị rủi ro, cũng như mối quan hệ giữa quản trị rủi ro và sự phát triển bền vững của DN. Quản trị rủi ro tốt, đồng nghĩa với việc DN kiểm soát tốt các tác động và khả năng xảy ra của các rủi ro, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động không lường trước và có khả năng triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rủi ro gây ra.

Khảo sát tại các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, viễn thông, hóa chất, dệt may... thấy rằng, các công ty cổ phần, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng đã và đang tham gia tích cực vào việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro DN theo thông lệ tốt, trong khi đó phần lớn các DN nhà nước chưa xây dựng hệ thống quản trị rủi ro DN. Nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp lý của Việt Nam chưa có những quy định hay hướng dẫn cụ thể về quản trị rủi ro DN, trừ lĩnh vực tín dụng và ngân hàng, mới dừng lại ở những yêu cầu quản lý, giám sát một số rủi ro thuộc nhóm rủi ro tài chính (bảo toàn vốn, thanh khoản, đầu tư…) và nhóm rủi ro tuân thủ quy định chức năng giám sát, kiểm tra của của Ban Kiểm soát, mà chưa có quy định/hướng dẫn cụ thể cho DN cách thức để phòng ngừa rủi ro.

Để hỗ trợ công tác quản lý rủi ro, đã có nhiều tổ chức cung cấp giải pháp mới về hoạt động quản trị rủi ro, qua đó giúp DN tăng cường hiệu quả của hệ thống quản trị rủi ro. Vai trò trách nhiệm trong quản trị rủi ro cũng được đề cập cụ thể qua nguyên tắc “3 vòng bảo vệ” đối với DN, tách biệt rõ vai trò của 3 nhóm đối tượng liên quan đến quản trị rủi ro hiệu quả. Nguyên tắc “3 vòng bảo vệ” được xây dựng nhằm hỗ trợ HĐQT/HĐTV và Ban Tổng giám đốc/Ban Giám đốc trong hoạt động quản trị rủi ro và kiểm soát. Trong đó, HĐQT/HĐTV và Ban Tổng giám đốc/Ban Giám đốc đảm bảo nguyên tắc “3 vòng bảo vệ” được áp dụng phù hợp với tổ chức DN.

- Vòng bảo vệ 1 phát hiện và quản lý rủi ro: Vòng này gồm các bộ phận chức năng kinh doanh và bộ phận chức năng hỗ trợ (nhân sự, công nghệ thông tin, kế toán tài chính…). Vòng bảo vệ 1 có trách nhiệm duy trì và thực hiện các quy trình kiểm soát, quy trình quản lý rủi ro. Tùy vào sự phân cấp, phân quyền trong DN, các trưởng bộ phận thuộc vòng bảo vệ 1 có trách nhiệm xây dựng và triển khai quy trình chi tiết, kiểm soát và giám sát việc thực hiện quy trình của nhân viên.

- Vòng bảo vệ 2 theo dõi, giám sát rủi ro: Vòng này có trách nhiệm quản lý rủi ro chung cho toàn DN và tuân thủ; được thiết lập để củng cố, xây dựng và giám sát vòng bảo vệ 1 và đảm bảo rằng, vòng bảo vệ 1 đã được thiết kế phù hợp về quy trình, biện pháp kiểm soát và hoạt động đúng như định hướng. Vòng bảo vệ 2 có thể tham gia vào việc sửa đổi và xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và tham gia hỗ trợ hoạt động của vòng bảo vệ 1.

- Vòng bảo vệ 3 đảm bảo kiểm tra, kiểm toán độc lập đối với vòng bảo vệ 1 và 2: Bao gồm các bộ phận thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ, báo cáo trực tiếp cho HĐQT/HĐTV về tính hiệu quả của hoạt động quản lý và kiểm soát rủi ro.

Tóm lại, mục tiêu của quản trị rủi ro DN không chỉ dừng ở việc giảm thiểu rủi ro, mà là quản lý các rủi ro một cách hiệu quả, toàn diện, làm cơ sở cho việc bảo toàn và phát triển các giá trị của tổ chức. Nói cách khác, quản trị rủi ro DN giúp cấp quản lý đưa ra các quyết định chính xác, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại trong quá trình vận hành DN.           

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn H.A, Ngô P.T. (2019), Quản trị công ty và mức độ chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 8/2019;

Phùng Đức Nam (2017), Sở hữu nhà nước và hành vi chấp nhận rủi ro: Trường hợp các công ty niêm yết Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, T. 28, S. 2 (2017);

Hoang Thi Dao, Nguyen Duc Minh (2018), Enterprise Risk Managerment model According to International Practices;

COSO (2009), International Organization for Standardization – Risk management – Principles and guidelines ISO 31000;

Alam, A., & Ali Shah, S. Z. (2013), Corporate governance and its impact on firm risk. International Journal of Management, Economics and Social Sciences, 2(2), 76-98;

Bertrand, M., & Mullainathan, S. (2003), Enjoying the quiet life? Corporate governance and managerial preferences. Journal of political Economy, 111(5), 1043-1075.