Đổ vốn vào vàng: Tránh “bẫy” ngày Thần tài
Tâm lý đổ xô mua vàng ngày Thần tài có thể khiến người dân rơi vào “bẫy” vàng.
Giá vàng tăng do yếu tố tâm lý
Dù ngày Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) hôm nay mới chính thức diễn ra, song tâm lý mua vàng Thần tài đã kéo giá vàng tăng vọt ngay trong ba phiên mở cửa đầu tiên của năm mới.
Cụ thể, chốt phiên cuối tuần qua (4/2), giá vàng SJC bán ra được niêm yết ở mức 37,83 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với đóng cửa phiên cuối năm. Thậm chí, trong phiên ngày 3/2, giá vàng có lúc vọt tăng lên 38,1 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ lễ.
Giá vàng tăng do cả tác động thị trường thế giới (đứng ở mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua), song lại chứa đựng yếu tố bất thường vì giá thế giới chỉ tăng nhẹ, trong khi giá vàng trong nước tăng rất mạnh. Các chuyên gia nhận định, giá vàng tăng do nhà vàng đẩy giá để đón đầu tâm lý mua vàng ngày Thần Tài.
Lãnh đạo Công ty Bảo Tín Minh Châu cho hay, lượng khách giao dịch tại các chi nhánh của Bảo Tín Minh Châu trong hai phiên mở cửa tuần qua đông đúc ngay từ sáng sớm, trong đó có 2/3 là người đi mua. “So với trước Tết, giao dịch đã sôi động hơn”, bà Nguyễn Thu Hiên, Phó giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Tương tự, tại PNJ, sức mua vàng cũng tăng khá mạnh, nhất là các sản phẩm vàng trang sức. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) dự báo, năm nay, doanh số bán vàng Thần tài của PNJ sẽ tăng 40-50%.
Dù giao dịch vàng sôi động nhiều so với trước, song lãnh đạo các công ty vàng cũng thừa nhận, không có các giao dịch lớn, đa số khách hàng chỉ mua nhẫn chỉ vàng trơn (1-3 chỉ) hoặc đồng vàng, vàng hình gà trống... Chính vì vậy, dù lượng khách tăng lên, song tổng khối lượng giao dịch không tăng đột biến và không có hiện tượng sốt hay khan hàng như những năm trước.
Năm nay, ngoài các doanh nghiệp vàng, nhiều ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng cũng tích cực tham gia thị trường. Thậm chí, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua và thanh toán vàng, Ngân hàng TPBank còn ra mắt cả sản phẩm thanh toán tiền mua vàng qua ngân hàng điện tử (eBank), cho phép khách hàng thanh toán vàng 24/24h, sau đó nhận vàng tại quầy giao dịch bất kỳ lúc nào.
Chuyên gia cảnh báo rủi ro của “bẫy” vàng
Năm 2016, vàng tăng giá hơn 8%, khá thấp so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và không cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, mới chỉ hơn một tháng, song mỗi ounce vàng đã tăng giá khoảng 64 USD. Sự suy yếu của USD đang khiến nhiều nhà đầu tư hứng khởi trở lại với vàng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư không nên nhìn vàng tăng giá vài phiên đầu năm nay mà đổ vốn vào vàng. Trong các kênh đầu tư, đầu tư vào vàng được dự báo là kênh nhiều rủi ro nhất năm 2017.
Rủi ro thứ nhất là do giá vàng trong nước tăng nhanh so với giá thế giới, nên chênh lệch vàng trong nước và thế giới hiện nay đang ở mức quá cao, khoảng 5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, khoảng cách mua vào - bán ra cũng được nhà vàng nới rộng 300.000 - 400.000 đồng/lượng, cao gấp 3-4 lần bình thường. Trong năm 2016, chênh lệch giá vàng thậm chí đã có lúc lên tới 7 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Kinh doanh & Đầu tư Vàng Việt Nam cho rằng, mức chênh lệch cao này sẽ tiếp tục được duy trì thời gian tới vì nguồn cung vàng SJC mới là không có. Khoảng cách này chỉ có thể rút ngắn, nếu Ngân hàng Nhà nước cho mở sàn vàng quốc gia.
Rủi ro thứ hai là về mặt chính sách. Ngoài tác động của giá thế giới, giá vàng còn chịu nhiều tác động trong nước, đặc biệt là các yếu tố kinh tế vĩ mô và các chính sách mới của Chính phủ liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Trong Chỉ thị 01/CT-NHNN vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống Đô la hóa và vàng hóa. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sẽ thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất, kinh doanh.