Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Vietcombank
(Taichinh) - Ngày 27/05/2015, tại Hà Nội, đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về tình hình thực hiện tái cơ cấu của Vietcombank.
Thành phần đoàn công tác của Quốc hội gồm có: đồng chí (đ/c) Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn công tác; đ/c Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; đ/c Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; đ/c Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách; đ/c Vũ Viết Ngoạn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; đ/c Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế.
Tham dự buổi làm việc và tiếp đón đoàn công tác của Quốc hội, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đ/c Nguyễn Kim Anh - Ủy viên Ban cán sự Đảng - Phó Thống đốc; về phía Vietcombank có đ/c Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TW - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT; đ/c Phạm Quang Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng giám đốc; các đ/c thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, Giám đốc Khối cùng một số đ/c Trưởng phòng/ban tại Hội sở chính Vietcombank.
Tại buổi làm việc, đ/c Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Vietcombank. Theo đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN và bám sát chiến lược kinh doanh 2011 - 2020 của Vietcombank; trên cơ sở kế hoạch triển khai các giải pháp tái cơ cấu, Vietcombank đã chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hàng năm. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Vietcombank đã rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện, báo cáo NHNN, chỉ rõ những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý.
Quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015 của Vietcombank đã đạt được nhiều kết quả tích cực và gắn chặt với kết quả chung của ngành ngân hàng, góp phần tích cực vào thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và tạo dựng niềm tin cho các NHTM cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.
Với chiến lược và tầm nhìn đến năm 2020 của Vietcombank là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, 1 trong 300 Tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, trong đó các mục tiêu chiến lược được xác định là: i) Ngân hàng đạt thị phần Top 1 Bán lẻ và Top 2 Bán buôn; ii) Ngân hàng đạt hiệu suất sinh lời cao nhất và đạt ROE trên 15%; iii) Ngân hàng đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng; iv) Ngân hàng dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực; v) Ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất; đ/c Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đã báo cáo với đoàn công tác những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan như: vấn đề nâng cao năng lực tài chính; tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, đặc biệt là sau khi áp dụng theo Base II; về xử lý thu hồi nợ xấu; về hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Vietcombank trongthời gian qua, đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu Vietcombank đã bước đầu khá thành công, Vietcombank đã có những bước đi vững chắc với hiệu quả tích cực đạt được qua từng giai đoạn, trong đó những điểm nổi bật có thể nhận thấy là ngân hàng đã duy trì được sự phát triển ổn định, kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Đ/c Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Vietcombank cần tiếp tục phát huy thành tựu và những lợi thế của mình để triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu trong giai đoạn tới, thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Đ/c Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với việc các cơ quan nhà nước có liên quan cần nghiên cứu rút gọn thủ tục, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng được nhanh chóng và đạt kết quả.