Đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ tài chính – ngân sách
Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của ngành Tài chính mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính đoàn kết đồng lòng, hăng hái thi đua, tích cực lao động và sáng tạo, nỗ lực vượt lên chính mình trong công việc, không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Cách đây tròn 67 năm, ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân kỷ niệm 1000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời “kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước có tổ chức ở nước ta.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta trong gần 7 thập kỷ qua đã trở thành cao trào cách mạng của quần chúng. Mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đều phát động những phong trào thi đua yêu nước, được nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại những hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc ta, nhân dân ta.
***
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập, giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với phong trào thi đua của cả nước, những năm qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính từ Trung ương đến địa phương luôn bám sát những nhiệm vụ tài chính - ngân sách trọng tâm, những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan đến phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đến bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng để đưa vào nội dung tiêu chí phát động và ký kết giao ước thi đua trong từng đơn vị và giữa các đơn vị với nhau. Phong trào thi đua yêu nước trong ngành Tài chính đã được phát động rộng khắp, từ các tổng cục, cục, vụ, viện đến các đơn vị thuộc hệ thống tài chính ở địa phương và các đơn vị có chức năng quản lý tài chính tại các bộ ngành. Điển hình là một số phong trào thi đua qua các năm như: “Cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài chính ra sức thi đua, phát huy truyền thống, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách hàng năm”; “Thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng đề án, cơ chế chính sách pháp luật; thực hiện văn minh công sở”; “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả” của cơ quan Bộ Tài chính. Các đơn vị có các phong trào thi đua tiêu biểu như: “Tập thể, cá nhân quản lý thuế mẫu mực” của Tổng cục Thuế; “Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan”, “Công chức hải quan giỏi” của Tổng cục Hải quan; “Người cán bộ kế toán giỏi”, “Người cán bộ kiểm ngân liêm khiết” của Kho bạc Nhà nước; “Vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp”, “Thủ kho giỏi, kỹ thuật viên giỏi” của Tổng cục Dự trữ Nhà nước... Song song với đó là các phong trào thi đua xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, như: xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu”; “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí”; “Học tập và nêu gương người tốt, việc tốt”... Ngoài các phong trào thi đua do các cấp chính quyền phát động, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành còn tích cực tham gia các phong trào thi đua như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Chung tay góp sức nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9”,...
Các phong trào thi đua của ngành Tài chính trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua; có sự đổi mới tích cực cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức thực hiện, qua đó góp phần quan trọng khơi dậy tinh thần phấn khởi, lao động sáng tạo của đông đảo cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, tạo động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao hàng năm và trong từng giai đoạn.
Thi đua và tổ chức tốt công tác thi đua khen thưởng đã giúp Bộ Tài chính hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó đáng kể nhất là nhiều năm liền hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước trên cả 3 phương diện: Thu ngân sách, chi ngân sách và số bội chi ngân sách được Quốc hội giao. Cân đối ngân sách được bảo đảm, tỷ lệ bội chi ở mức hợp lý được Quốc hội cho phép, góp phần quan trọng giữ mức dư nợ Chính phủ và dư nợ Quốc gia ở giới hạn cho phép. Hiệu quả phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước không ngừng được cải thiện, chính sách tài chính - ngân sách được điều chỉnh linh hoạt, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Những điểm sáng được nhân dân, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đối với ngành Tài chính là bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, chi ngân sách, hình thành đồng bộ Bộ Chiến lược Tài chính 2011 - 2020, hoàn thiện thể chế tài chính để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành Tài chính đã quyết liệt, khẩn trương thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính và đã đạt được những kết quả đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm giờ tuân thủ về thuế... Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1553/QĐ-BTC ngày 08/7/2014 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính giai đoạn 2014-2015 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính tập trung vào các nhóm nhiệm vụ cơ bản như:
Thứ nhất, tập trung rà soát, đánh giá lại quy trình, hồ sơ và thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phấn đấu giảm thời gian xuất, nhập khẩu bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6; rà soát, đánh giá lại và cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục hành chính nộp thuế, rút ngắn thời gian để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); rà soát, đánh giá việc công khai, minh bạch quy trình cấp phát vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện tốt hơn; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, chi ngân sách nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ khác trong các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, công khai, minh bạch thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc một cách toàn diện, hiện đại; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời...
Thứ ba, xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ. Tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động rà soát thủ tục hành chính; Công khai minh bạch trên internet về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính...
Kế hoạch cũng tập trung triển khai một số nhiệm vụ liên quan khác như: hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ; nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện đánh giá, tự chấm điểm công tác cải cách hành chính tại các đơn vị từ năm 2014.
Yêu cầu đặt ra đối với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, nhất là thuế, hải quan trong thời gian tới là rất lớn và còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính giai đoạn 2015 - 2016, các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính đặt ra trong thời gian tới là rất khả thi.
Từ các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành Tài chính với những thành tích xuất sắc đã được tôn vinh, biểu dương khen thưởng và trở thành tấm gương điển hình dẫn dắt phong trào thi đua trong toàn Ngành. Ghi nhận những thành tích, đóng góp của ngành Tài chính trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đó là: 02 Huân chương Sao Vàng, 10 Huân chương Hồ Chí Minh, 18 tập thể và cá nhân trong Ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, hàng nghìn Huân chương Lao động các hạng, hàng nghìn Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác...
Năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2015), 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), 70 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2015), Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các ngày kỷ niệm khác trong năm... Đây là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo tiền đề để cả nước phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015, phấn đấu hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ IV, Bộ Tài chính đã phát động phong trào thi đua trong Ngành với khẩu hiệu hành động: “Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển ngành Tài chính; đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015 và cả giai đoạn 5 năm 2011-2015”.
Mục tiêu thi đua tổng quát: Huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Nội dung và chỉ tiêu thi đua cụ thể, gồm:
Thứ nhất, tập trung tổ chức triển khai thực hiện nhất quán các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015, phấn đấu tăng thu từ sản xuất kinh doanh (chưa kể thu từ dầu thô) và tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức 8-10% đã được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, hiệu quả; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, quản lý, kiểm soát giá cả, lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kết hợp có hiệu quả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, giảm nợ đọng thuế; tạo nguồn thu ổn định vững chức cho ngân sách nhà nước; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính; tập trung chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm, phấn đấu đạt 100% các chương trình đề tài, đề án, cơ chế, chính sách đã đăng ký; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính; kiểm soát chặt chẽ nợ công; quản lý giá các mặt hành quan trọng, thiết yếu theo lộ trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính và xử lý vi phạm nhằm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, an toàn; thực hiện công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước và kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập sâu trong lĩnh vực tài chính, tăng cường tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do đã và sẽ được ký kết.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế; kết hợp với hiện đại hoá, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý tài chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết, xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng tổ chức Đảng, đơn vị và các đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh.
Thứ sáu, tổ chức phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Ngành, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2015. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, xây dựng văn minh công sở.
***
Phấn khởi, tự hào về những thành tựu đạt được từ trong phong trào thi đua yêu nước trong nhiều năm, nhiều giai đoạn; nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của Ngành mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính đoàn kết đồng lòng, hăng hái thi đua, tích cực lao động và sáng tạo, nỗ lực vượt lên chính mình trong công việc, không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.