Tài chính Tuyên Quang: Đoàn kết chung tay xây dựng hệ thống tài chính vững chắc
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng 2/9, kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 – 28/8/2015), sáng ngày 26/8, tại Tuyên Quang, ngành Tài chính tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tham dự Lễ kỷ niệm; Đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Tham dự buổi Lễ còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; cùng cùng các đồng chí trong Ban thường vụ tỉnh ủy, đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh cùng toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính tỉnh Tuyên Quang.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nơi ghi dấu bao sự kiện trọng đại của dân tộc, là mảnh đất đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang đã năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững chắc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các đơn vị tài chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua. Theo Thứ trưởng, để có được những thành tích trên là do có sự đoàn kết chung tay xây dựng hệ thống tài chính vững chắc của các đơn vị tài chính như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước… trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thứ trưởng khẳng định, đây chính là động lực rất to lớn tạo đà và nền tảng cho sự phát triển trong tương lai và nết son tô thắm những trang sử vẻ vang của ngành Tài chính.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị tài chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục phát huy mọi nguồn lực và cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn, hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, động viên hợp lý các nguồn thu cho NSNN trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các chính sách thuế theo hướng công bằng, thống nhất, khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đảm bảo tính đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ kê khai, kiểm tra, tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế; đồng thời, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nền kinh tế trong khu vực.
Thứ hai, tiếp tục đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính; tham mưu phân bổ nguồn lực hợp lý, kiểm tra, giám sát tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xóa đói,giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
Thứ tư, quan tâm củng cố công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo tính tuân thủ phát luật trong quản lý tài chính, ngân sách, chi tiêu công, thực hiện nghĩa vụ thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng độ ngũ cán bộ công chức tinh thông về nghiệp vụ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, coi đây là yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển của ngành.
Thứ sáu, tăng cường mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành trên địa bàn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hình thành hệ thống, các kênh thu nhận thông tin phản hồi về các chính sách, cơ chế tài chính từ mọi đối tượng liên quan, người dân và doanh nghiệp để xử lý những sai sót và bất cập, hoàn thiện cơ chế chính sách kịp thời, có hiệu quả.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã trao tặng Cờ Thi đua của Bộ Tài chính cho Sở Tài chính Tuyên Quang và trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài chính cho các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.