Ngành Tài chính Việt Nam: Những bước đột phá mạnh mẽ
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập ngành Tài chính Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính Việt Nam luôn vững bước qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và đã có những bước đột phá mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Thành công ấy có được cũng là từ thành quả lao động của các thế hệ cán bộ viên chức ngành Tài chính đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tận tâm, tận lực cống hiến với mong muốn góp ích nhiều hơn nữa vì sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu”.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, trải qua biết bao thăng trầm qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng với trọng trách được Đảng và Nhà nước giao. Là người gắn bó với ngành Tài chính suốt mấy chục năm qua, xin Chủ tịch một vài đánh giá về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Tài chính qua các thời kỳ?
Có thể nói, trong bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, ngành Tài chính đều có những đóng góp lớn cho đất nước. Thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, trong điều kiện chính quyền cách mạng mới thành lập, nguồn lực tài chính hết sức hạn hẹp, khó khăn, ngành Tài chính đã đảm bảo các nhu cầu tài chính cho Nhà nước, huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong những giai đoạn đầu đất nước thống nhất, chính sách động viên ngân sách nhà nước qua hình thức thuế và thu quốc doanh đã được thống nhất dần từng bước, gắn với công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn 1986 - 2000 là giai đoạn thực hiện chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá, tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đặc biệt, thời kỳ này, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước với những đột phá về tư duy kinh tế. Từ đây, ngành Tài chính đã tiến hành cải cách hệ thống huy động nguồn lực tài chính một cách toàn diện, đồng bộ thông qua việc xác lập hệ thống thuế mới; áp dụng nhiều chính sách tài chính khuyến khích đầu tư và kinh doanh của mọi thành phần kinh tế; đổi mới phương thức phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp đổi mới của nền kinh tế; đổi mới hoạt động tài chính doanh nghiệp; hình thành thị trường vốn… Việc ban hành các luật thuế cùng với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thu chi, cân đối NSNN xác lập chế độ phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương, đánh dấu sự phát triển về thể chế tài chính nhà nước trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực NSNN, hướng tới việc quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch. Chính sách chi ngân sách đã được đổi mới theo hướng giảm dần sự bao cấp của NSNN, đặc biệt là chế độ bao cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công.
Trên đà của công cuộc đổi mới nền kinh tế, ngành Tài chính Việt Nam đã bước vào chặng đường mới- chặng đường hiện đại hóa và hội nhập, giai đoạn 2001 - 2015. Ngành đã đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính sách thuế, ban hành những sắc thuế mới, quan trọng như: Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Giá trị gia tăng; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp; Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu... Các luật, pháp lệnh về thuế, phí cơ bản được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, theo hướng minh bạch, đơn giản, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; giảm động viên vào ngân sách, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cùng đó, công tác hiện đại hóa luôn được quan tâm hướng đến xây dựng một nền Tài chính điện tử hiện đại, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, công khai.
Hệ thống cơ chế, chính sách tài chính, thể chế tài chính được hoàn thiện, tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách tài chính, hội nhập quốc tế để huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội; hình thành một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chất lượng quản lý tài chính quốc gia ngày càng được nâng cao. Nền tài chính quốc gia không ngừng được tăng cường, lớn mạnh trên nhiều phương diện, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Tài chính từng bước trở thành công cụ quản lý vĩ mô của nền kinh tế, góp phần to lớn trong đảm bảo ổn định vĩ mô nền kinh tế, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính cho đầu tư, phát triển, thực hiện tốt vai trò mở đường, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Có thể nói, 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính Việt Nam luôn vững bước qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và đã có những bước đột phá mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Thành công ấy có được cũng là từ thành quả lao động của các thế hệ cán bộ viên chức ngành Tài chính đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tận tâm, tận lực cống hiến với mong muốn góp ích nhiều hơn nữa vì sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu.
Trên mỗi chặng đường lịch sử của đất nước, ngành Tài chính đều để lại những kết quả rất đáng ghi nhớ. Xin Chủ tịch cho biết những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của ngành Tài chính?
Trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, kết quả ấn tượng đầu tiên cần nhắc đến là ngành đã xây dựng được hệ thống chiến lược và hoàn thành đồng bộ văn bản các luật để quản lý nền tài chính quốc gia trên cả góc độ vĩ mô và vi mô, từ tài chính quốc gia đến tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư.
Tài chính trở thành công cụ hữu hiệu điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tài chính đã tạo ra nhiều công cụ đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho phát triển đất nước. Bên cạnh việc tiếp cận nguồn vốn ODA, tiếp cận nguồn vốn đầu tư trực tiếp, chúng ta mở thêm nhiều kênh huy động vốn mới- không chỉ huy động vốn trong nước mà còn huy động cả nguồn lực từ nước ngoài qua nhiều hình thức khuyến khích đầu tư, xã hội hóa, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Một dấu ấn hết sức quan trọng là ngành Tài chính đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớn mạnh, vừa làm chính sách, vừa làm quản lý trên từng lĩnh vực như mặt trận thu thuế, hải quan, quản lý ngân sách, tài sản quốc gia, mặt trận quản lý doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường tài chính… từng bước đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Cùng với đó là sự đồng lòng đoàn kết nhất trí cao của Ban Cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương trong ngành Tài chính, qua đó nhiệm vụ của ngành Tài chính được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ để thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thưa Chủ tịch, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực toàn diện trên các mặt công tác, nhất là việc sử dụng nguồn lực tài chính. Xin Chủ tịch cho biết, ngành Tài chính sẽ phải nỗ lực như thế nào để nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân?
Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, quản lý nợ công chặt chẽ, ngành Tài chính cần từng bước hoàn thiện thể chế tài chính, điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, kể cả chi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, những dự án công trình không có khả năng thu hồi vốn hoặc mức độ thu hồi vốn thấp, rủi ro cao; đầu tư một số ngành sản xuất thiết yếu, then chốt, đóng vai trò chủ đạo và những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc chưa thể thực hiện được.
Tài chính nhà nước, đầu tư công phát huy vai trò định hướng để thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội. Nguồn vốn đầu tư nhà nước bao gồm vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức được sử dụng để kiến tạo, phát triển môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn lực xã hội bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục...
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công tư (PPP), BOT, BT, chuyển nhượng quyền khai thác đối với một số lĩnh vực, chuyển quyền thu phí giao thông, cho thuê hạ tầng cảng biển…, chuyển từ Nhà nước trực tiếp đầu tư toàn bộ dự án sang hình thức nhà nước tham gia cổ phần cùng các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng cơ sở theo quy hoạch tổng thể, thu phí hoàn vốn. Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi để thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.
Thưa Chủ tịch Quốc hội, để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2021, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra. Trên cơ sở chiến lược này tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, kiểm tra giám sát tài chính đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế, và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để nền tài chính vận hành đúng kỷ cương, kỷ luật thì công tác thanh tra giám sát phải tiếp tục quan tâm củng cố, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách, chi tiêu công, thực hiện nghĩa vụ thuế và đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống tài chính, an toàn thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm… tránh những rủi ro về mặt đạo đức, đồng thời tránh được những tác động tiêu cực từ thị trường bên ngoài trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa là tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Chúng ta cần chú trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tinh thông về nghiệp vụ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có đạo đức trong sáng đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, hội nhập quốc tế, coi đây là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của ngành.
Trong không khí toàn ngành Tài chính đang thi đua sôi nổi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng tới kỷ niệm 70 năm Thành lập ngành Tài chính, là người gắn bó với ngành Tài chính suốt mấy chục năm qua, Chủ tịch có thông điệp gì?
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Thành lập ngành Tài chính, tôi mong rằng, toàn ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và thách thức, đoàn kết, nhất trí, đổi mới mạnh mẽ hơn, năng động và sáng tạo hơn, đồng thời luôn giữ vững kỷ cương, kỷ luật, phấn đầu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ xứng đáng với niềm tin và trách nhiệm của ngành được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chúc toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!