Doanh nghiệp băn khoăn biến động tỷ giá
(Tài chính) Tỷ giá vẫn biến động trong biên độ cho phép. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp với với tổ điều hành kinh tế vĩ mô cũng chỉ ra, quan tâm nhất trong năm 2015 là tỷ giá và tiền tệ. Chưa bao giờ, những diễn biến trên thị trường tiền tệ lại có những phản ứng lạ như hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu thu về ngoại tệ cho nền kinh tế đang có những sức ép nhất định.
Tỷ giá xẹp doanh nghiệp vẫn lo
Sau khi thủ tướng tái khẳng định chưa điều chỉnh tỷ, ngày cuối cùng của tháng 3 (31-3), tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng có dấu hiệu giảm nhiệt. Tại Techcombank, giá USD mua vào - bán ra là 2.1490 - 21.575 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết sáng nay là 21.510 -21.570 đồng/USD.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm nay, NHNN vẫn giữ mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2%. Phần lớn các lãnh đạo của ban Bộ ngành đưa ra lời trấn an, giá USD chưa gây bất lợi nhiều cho nền kinh tế, xuất khẩu vẫn tăng. Trong khi đó, đồng euro và yen (Nhật Bản) giảm giá là cơ hội để nhập máy móc và giảm nợ vay bằng các đồng tiền này. Nhưng tính ra trong quãng thời gian 3 tuần trở lại đây, đồng USD trên thị trường nội địa đã tăng hơn 100 đồng/USD. Những thay đổi lạ trong niêm yết tỷ giá suốt quãng thời gian tháng 3 – 2015 đã được ông Trần Nhật Tân chủ một doanh nghiệp ở Miền Nam trao đổi thẳng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Chính sách đồng đô la nóng lên trong thời gian qua đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại”.
Nhưng câu chuyện đồng đô la nóng lên không chỉ làm cho nhà đầu tư lo ngại, theo chia sẻ của Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cho biết DN đã phải tạm ngừng đàm phán với đối tác để hủy một đơn hàng nhập khẩu. Hiện nay giá USD trên thị trường tự do ở mức cao, nhưng khi bán lại cho ngân hàng để làm thủ tục thanh toán lại thấp hơn. Do vậy doanh nghiệp lỗ.
Đồng quan điểm, kế toán trưởng một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu thiết bị trường học có địa chỉ phố Lý Nam Đế đưa ra con số cụ thể, mỗi hợp đồng nhập hàng về ít nhất cũng lên tới 200.000 đô. Tính đơn giản, giá đô trên thị trường tự do đang cao hơn giá đô trong ngân hàng khoảng 80 đồng/ USD. Như vậy, khi bút toán chi phí lỗ lên tới 16 triệu đồng/ đơn hàng. Mỗi tháng, doanh nghiệp lỗ đến bằng 5 bằng 10 con số này.
Neo cao cũng phản ứng
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi lời cam kết không điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm hiện tại và tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước trong khu vực đang mất giá mạnh, thì chính sách tỷ giá đang có tác động nhất định lên nền kinh tế. Với giả định, lạm phát năm 2015 tiếp tục được kiềm chế theo đúng kịch bản dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 4%. Khi áp dụng chính sách neo giá tiền đồng cao so với đồng đô la, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi và khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về phân phối lại. Hàng xuất khẩu đi các nước là đối tác thương mại cũng sụt giảm.
Trong buổi đối thoại bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực nông lâm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, nhiều doanh nghiệp than ngắn thở dài “khổ” vì tiền đồng bị neo giá cao.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu thủy sản quý I/2015 đang giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây (giảm 23%). Việc sút giảm diễn ra ở cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Nhật Bản với con số giảm tương ứng lần lượt là 44%, 11% và 15%.
Theo phân tích của VASEP, ngoài thuế chống bán phá giá (khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm) thì tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Cụ thể, các DN xuất khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD trong khi đồng Yên và euro đều giảm giá so với USD. Cách tính tỷ giá chéo này đã làm cho các đơn hàng xuất khẩu sang EU, Nhật giảm mạnh. Ngoài ra, còn lý do nữa do tỷ giá của Việt Nam trong thời qua luôn được giữ ở mức ổn định, trong khi các đối thủ bạn là Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá nên giá hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước trong khu vực.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế. Từ các ngành hàng này, mang về một khoản ngoại tệ lớn. Thế nhưng, do xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng về giá đã khiến cho nhà quản lý lẫn doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Riêng với xuất khẩu, việc neo tiền đồng theo USD trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác.
Điều đáng bàn, theo tính toán của NHNN, với dự trữ ngoại hối hiện nay, cơ quan này hoàn toàn có thể bình ổn được thị trường. Song những sóng lạ trên thị trường ngoại hối vẫn đang tồn tại, và tiếp tục gây ra sức ép cho cả doanh nghiệp nhập khẩu lẫn doanh nghiệp xuất khẩu. Bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay theo khẳng định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vẫn nhập khẩu một lượng nguyên liệu lớn để gia công, xuất khẩu. Lựa chọn hướng đi nào để có lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế là bài toán khó tìm lời giải. Cân đối lợi ích của 2 lĩnh vực doanh nghiệp này không dễ.
Theo khẳng định của Ngân hàng nhà nước, cơ quan sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đã đề ra từ đầu năm. NHNN sẽ chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như các biện pháp cần thiết để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.