Doanh nghiệp bị phạt vì không nắm rõ quy định
Không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang vẫn đang mù mờ các quy định hiện hành.
Bà Trần Ngọc Thìn, Phòng Quản lý vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết tại Hội thảo “Giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý kinh doanh vàng” diễn ra mới đây, hiện tại địa bàn thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, 415 doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, số còn lại mới chỉ đăng ký tại các quận, huyện.
Vì vậy, ngoài các doanh nghiệp, cơ sở đã hình thành và đi vào hoạt động lâu năm hiểu rõ các quy định luật pháp, đặc biệt là những quy định, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc, đá quý tại Nghị định 24, còn lại không ít doanh nghiệp thiếu hiểu biết, nắm những quy định này một cách khá mù mờ dẫn đến hiểu sai, thực hiện sai và nhiều lần bị cơ quan quản lý chức năng nhắc nhở, xử phạt.
Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh (SJA) cho biết, vừa qua khi Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt trên diện rộng đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, thì đã không ít doanh nghiệp bị xử phạt do có nhiều sai phạm. Điều này tạo nên tâm lý lo lắng, quan ngại cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA cho biết thêm, Nghị định 24 chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2012, cùng nhiều thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư 16/2012/NHNN, Thông tư 22/2013/BKHCN và Thông tư 38/2015/NHNN... nhưng đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
Đơn cử, trong các đợt kiểm tra có đến 95% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không xuất trình được hóa đơn mua bán hàng hóa. Thậm chí, có những doanh nghiệp “ngây thơ” không biết sẽ bị xử phạt khi lưu thông hàng hóa, mua bán sản phẩm vàng nữ trang không đủ chất lượng kiểm định trên thị trường, bán cho người tiêu dùng dù sản phẩm đó được mua sỉ tại “chành” có tiêu chuẩn cơ sở và hợp đồng rõ ràng.
“Vấn đề lúc này là doanh nghiệp kinh doanh nữ trang phải tự trang bị kiến thức, hiểu biết trong lĩnh vực của mình…”, ông Dưng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc kiểm tra liên tục trong năm và do nhiều cơ quan quản lý chồng chéo như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công An, NHNN, UBND tỉnh thành... đã khiến cho doanh nghiệp “rối”, khó tập trung sản xuất mà chỉ lo… tiếp đoàn kiểm tra, tốn nhiều thời gian, công sức, gây phiền hà cho doanh nghiệp do bị khách hàng hiểu lầm rằng doanh nghiệp “có vấn đề”.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Đồng, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ cho rằng, việc thanh, kiểm tra đã có quy định rõ tại Điều 16, Điều 17 của Nghị định 24. Thông thường, việc kiểm tra được tiến hành định kỳ hàng năm, do một cơ quan chủ trì và phối kết hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng khác.
Việc lấy mẫu, đo lường, thông báo kết quả cũng có quy trình, thời gian nhất định, không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu không đồng ý với kết quả thanh kiểm tra, cơ sở sản xuất kinh doanh vàng có quyền khiếu lại hoặc yêu cầu được giám định lại.
Về những khó khăn, tồn tại liên quan đến Nghị định 24, một trong những điểm mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng tại TP. Hồ Chí Minh thắc mắc, cần được giải đáp chính là hiện nay, nhu cầu vay vốn và nhập khẩu nguyên liệu vàng về nước để phục vụ sản xuất rất lớn, nhưng chưa được đáp ứng.
Do đó, các doanh nghiệp luôn mong mỏi NHNN và các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn. Bàn về vấn đề này, đại diện NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết thêm thông tin, hiện NHNN đang nghiên cứu để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ được tiếp cận nguồn vốn vay và nhập nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang.
Tuy nhiên, đại diện cho các doanh nghiệp mỹ nghệ kim hoàn đá quý tại TP. Hồ Chí Minh, ông Dưng nêu lên thực tế, đến nay tình hình này vẫn chưa có gì mới hơn. Vì vậy, vị Chủ tịch của SJA cho rằng, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải tiếp tục kiên trì chờ đợi đến thời điểm thích hợp để được “cởi mở” hơn.