Doanh nghiệp cần cải thiện năng lực tài chính để tiếp cận vốn ngân hàng

PGS. TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (Theo ĐTCK)

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 450.000 DN thuộc các thành phần kinh tế, trong đó DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 96%, DN siêu nhỏ chiếm 4%. Các DNNVV đóng góp gần 40% GDP cả nước.

Nhìn chung, năng lực tài chính của các DNNVV còn rất hạn chế, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số DN là tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Trên thực tế, các DN nói chung và DNNVV nói riêng luôn gặp khó khăn về vốn, kể cả khi nền kinh tế lạm phát, tăng trưởng nóng và cả khi nền kinh tế suy thoái, giảm phát. Không ít dự án tốt bị gián đoạn, chậm thực hiện, thậm chí không thực hiện được do thiếu vốn.

Theo tính toán, bình quân mỗi DNNVV đi vào hoạt động cần khoảng 2 tỷ đồng, số vốn cần huy động sẽ xấp xỉ cả triệu tỷ đồng Việt Nam. Có nhiều kênh cung cấp vốn cho DNNVV, trong đó kênh vốn tín dụng ngân hàng là kênh trực tiếp quan trọng và là tổ chức trung gian tạo điều kiện để DNNVV tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Trên thực tế, nợ xấu của ngân hàng đối với các khoản tín dụng của DNNVV rất thấp, nhưng các DN vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng dè dặt trong việc cho DNNVV vay vốn. Kết quả điều tra gần đây của Cục Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ có 32,38% DNNVV có khả năng tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng; 35,25% khó tiếp cận, còn lại không thể tiếp cận. Lý do của tình trạng trên có thể xem xét từ cả hai phía.

Về phía ngân hàng, có thể do nguồn vốn có hạn, do năng lực thẩm định còn hạn chế, nhưng lý do chủ yếu là sự thận trọng trong các quyết định cho vay, do yêu cầu đảm bảo an toàn vốn và lòng tin vào các DNNVV. Nhiều DN phàn nàn về việc tìm đến ngân hàng để vay vốn gặp rất nhiều thủ tục khắt khe, phức tạp.

Về phía DNNNV, khách hàng vay nợ còn vi phạm nguyên tắc vay hoặc không đáp ứng, không hội tụ đủ các điều kiện vay, như phương án kinh doanh không khả thi, không hiệu quả, năng lực và tiềm lực tài chính, tỷ lệ vốn tự có thấp, đặc biệt là việc trao đổi thông tin giữa DN và ngân hàng chưa được tăng cường, còn thiếu rõ ràng, thiếu độ tin cậy cần thiết; tình hình tài chính của DN chưa thực sự minh bạch, báo cáo tài chính chưa thực sự công khai, mức độ chính xác, tin cậy thấp. Do đó, lòng tin của ngân hàng vào DN còn hạn chế. Theo một kết quả điều tra, trong số những DN không tiếp cận được vốn ngân hàng có tới 80% không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn, không chứng minh được thực trạng tài chính của DN.

Để thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và DN, để DN có thể dễ tiếp cận được các nguồn vốn, thì trước hết, phải nâng cao năng lực tài chính của cả ngân hàng và DN. Ngân hàng cần nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo đủ vốn cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Hoạt động tín dụng (cả huy động và cho vay) phải minh bạch công khai, an toàn và hiệu quả. Hệ thống kiểm soát nội bộ (gồm cả quy trình nghiệp vụ, quy chế hoạt động, điều hành và tổ chức) cần được thiết lập, duy trì và thường xuyên có sự đánh giá về tính hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Mọi rủi ro trong kinh doanh phải được quản trị và kiểm soát.

Đối với DN, tài chính của DN phải lành mạnh, minh bạch có độ tin cậy cao với ngân hàng, đảm bảo mọi khoản vốn và tài sản được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Hệ thống kiểm soát nội bộ cần được tạo lập và duy trì có hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống kiểm soát nội bộ là vòng kiểm soát trực tiếp, thứ nhất để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh. Đó là các quy trình, quy tắc quản trị, các quy trình và thủ tục nghiệp vụ, các nguyên tắc tổ chức và phân công phân nhiệm trong bộ máy kinh doanh và quản trị kinh doanh. Vòng kiểm soát thứ hai và thứ ba là kiểm toán nội bộ và kiểm toán dịch vụ từ bên ngoài.