Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi xanh để tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu
Chuyển đổi xanh không phải chỉ là trách nhiệm về mặt xã hội, môi trường của doanh nghiệp, mà là chiến lược kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để có thể tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.
Trong suốt hơn 5 thập kỷ qua, các tổ chức, quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh thiết kế nhằm hình thành quy định thương mại và đầu tư toàn cầu theo định hướng giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Chẳng hạn, từ tháng 1/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố Báo cáo phát triển bền vững (CSRD) hiệu lực trên toàn khu vực. Đối với Việt Nam - một quốc gia hiện đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế không thể đứng ngoài dòng chảy trong bối cảnh các thị trường lớn như EU, Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) trong sản xuất hàng hoá và thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn thì phải nhận diện được những quy định liên quan đến ESG, nếu không sẽ đánh mất tiềm năng hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế.
Hay như từ ngày 01/10/2023, EU đưa vào thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026. CBAM là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc ban hành CBAM hiểu một cách đơn giản nhất là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Đối với Việt Nam, từ tháng 10/2023, 4 mặt hàng quan trọng bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Cơ chế CBAM, bao gồm thép, xi măng, nhôm, phân bón. Khi xuất khẩu những hàng hóa này vào EU, doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Từ tháng 6/2024, các nước châu Âu sẽ phải lồng ghép Báo cáo phát triển bền vững vào trong luật để tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì vậy, các định chế tài chính toàn cầu cung cấp tài chính khí hậu, tài chính xanh cũng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải đưa ra Báo cáo phát triển bền vững, trong đó có Báo cáo kinh tế - xã hội - môi trường (ESG). Theo các chuyên gia, đáp ứng điều kiện này, Việt Nam mới có thể xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.
Từ tháng 1/2026, nếu không đáp ứng mức phát thải theo yêu cầu của EU thì doanh nghiệp sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù trừ theo giá của thị trường các-bon EU. Mức giá cao nhất hiện nay khoảng 100 - 150 EUR/tín chỉ. Thị phần các mặt hàng này của Việt Nam không đáng kể và các nước trên thế giới sẵn sàng bỏ qua để bảo vệ thị trường của họ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ ngày 1/1/2025, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang châu Âu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được thông quan. Mỹ cũng đã đưa ra Dự thảo về Luật Cạnh tranh và dự kiến áp dụng quy định tương tự CBAM ở châu Âu. Anh cũng đã thông qua quy định về CBAM riêng.
Rõ ràng, thời gian không còn và doanh nghiệp Việt phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững để có thể giữ thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, do sự thiếu chủ động, nên cuối năm 2022, ngành Dệt may cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do doanh nghiệp mất đơn hàng khi EU đặt ra điều kiện về tiêu chuẩn xanh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, hiện nay, các định chế tài chính quốc tế và các nước lớn trên thế giới đã thiết kế những khuôn khổ tài chính, khí hậu xanh để hỗ trợ các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp cần phải thực hiện Báo cáo phát triển bền vững, Báo cáo ESG, Báo cáo giảm phát thải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để kết quả được ghi nhận và sau này thậm chí còn thu hồi được tiền đầu tư dưới dạng là giá trị của tín chỉ các-bon.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ khó khăn về mặt chi phí để tổ chức triển khai thực hiện, và rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, của các hiệp hội.