Ngành Bảo hiểm chung tay bảo vệ môi trường thông qua chuyển dổi số

Bảo Ngọc

Ngày càng nhiều sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số được giới thiệu, chào bán qua kênh thương mại điện tử, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh số giúp giảm bớt việc sử dụng giấy in, bảo vệ môi trường.
Giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh số giúp giảm bớt việc sử dụng giấy in, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro chuyển đổi, từ việc biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên tai, đến việc chuyển sang nền kinh tế ít ô nhiễm hơn, ít carbon hơn. Một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro loại này là tích hợp chiến lược biến đổi khí hậu vào hoạt động kinh doanh và tăng cường quản trị yếu tố môi trường và xã hội (ESG).

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm là một lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình giảm thiểu carbon của nền kinh tế các nước, hướng tới phát thải carbon ròng bằng 0. Rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế lớn đưa ra những chính sách mạnh mẽ để thực hiện cam kết ESG. Một trong những động thái mạnh mẽ nhất đó là nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm bảo hiểm xanh như Bảo hiểm trách nhiệm môi trường, Bảo hiểm xanh cho xe cơ giới, Bảo hiểm năng lượng tái tạo xanh…

Tại Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm xanh đã “nhen nhóm” từ năm 2005 khi có sự ra đời của bảo hiểm trách nhiệm môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên tại thời điểm này vẫn chưa có những khái niệm hay quy định rõ ràng nào về bảo hiểm xanh. Phải đến tận năm 2012, khi Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành thì những cụm từ như bảo hiểm xanh mới thật sự xuất hiện.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm 2024 của Vietnam Report, 77,3% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho rằng việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn ESG có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi con số này năm 2023 mới chỉ dừng lại ở 36,4%. Trong đó, 31,8% doanh nghiệp đã có chương trình ESG rõ ràng cho một số yếu tố (tăng 11,8% so với năm 2023) và 54,6% doanh nghiệp Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG (tăng 18,2% so với năm 2023).  

Ở góc độ môi trường (E), ngành Bảo hiểm đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động “chuyển đổi số - chuyển đổi xanh”. Xu hướng này thể hiện qua việc ngày càng nhiều sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số được giới thiệu, chào bán qua kênh thương mại điện tử, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã giới thiệu các phiên bản hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, tiện lợi hơn với việc sử dụng các mã QR để tra cứu thông tin, hay việc doanh nghiệp tích cực sử dụng chữ ký số trong các hóa đơn thanh toán.

Điều này không chỉ giúp giảm bớt việc sử dụng giấy in ấn và lưu trữ mà còn góp phần giảm lượng rác thải và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và tính tiện ích cho khách hàng.

Hơn nữa, các dịch vụ bảo hiểm cũng được số hóa một cách toàn diện, trao quyền cho người dùng tự thao tác trên các ứng dụng và trang web thay vì phải thực hiện tại quầy. Việc này không chỉ tạo sự thuận tiện và linh hoạt cho khách hàng mà còn giảm thiểu việc di chuyển, góp phần giảm lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, như trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động của mình, và hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng về bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện cam kết của ngành Bảo hiểm đối với việc bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.