Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi tham gia sàn thương mại điện tử?
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Các sàn thương mại điện tử hiện đã trở thành kênh kinh doanh phổ biến của rất nhiều nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tham gia thị trường này, còn khá nhiều vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.
Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) giúp doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng. Chính sách trợ phí vận chuyển của các sàn TMĐT là một trong những điều thu hút người mua hiện nay. Điều này giúp các DN gia tăng doanh thu từ các sàn TMĐT.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng tạo điều kiện tối đa cho DN từ việc đăng ký gian hàng nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, khi tham gia sàn thương mại điện tử, DN cần lưu ý một số vấn đề gồm:
Thứ nhất, về cơ sở vật chất: DN tham gia TMĐT không cần đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chỉ cần trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng ổn định, có thể in và xử lý đơn hàng qua hệ thống. Về lâu dài, các DN nhỏ nên trang bị hệ thống phần mềm để có thể quản lý đồng thời cả đơn hàng truyền thống với đơn hàng TMĐT. Tùy thuộc vào đặc tính của DN, các sản phẩm và dịch vụ của DN bán trên sàn TMĐT mà áp dụng mô hình phù hợp cho riêng DN. Các DN nhỏ mới tham gia TMĐT cần có sự tư vấn của các công ty chuyên về giải pháp TMĐT để ứng dụng mô hình phù hợp nhất.
Thứ hai, về nhân sự: Để bán hàng trên các sàn TMĐT, các DN cần bố trí nhân viên theo dõi và xử lý đơn hàng cũng như trả lời khách hàng khi có yêu cầu. Trong giai đoạn đầu khi đưa thông tin lên các sàn TMĐT cần bố trí ít nhất 01 nhân viên học và quản lý việc đăng sản phẩm. Nhân viên xử lý đơn hàng TMĐT có thể bố trí kết hợp với nhân viên bán hàng truyền thống vì không cần nhiều kỹ năng chuyên biệt như nhân viên đăng sản phẩm. Chỉ khi quy mô bán hàng trên sàn TMĐT tăng cần bố trí nhân viên phụ trách chuyên xử lý các đơn hàng TMĐT.
Thứ ba, về quy trình vận hành: Đi kèm với các quy trình vận hành quản lý kinh doanh hiện tại, các DN cần triển khai đồng thời quy trình cũng như bố trí nhân viên thực hiện theo các quy trình dựa trên quy định vận hành của các sàn TMĐT. Khi tham gia trên nhiều sàn TMĐT, mỗi sàn TMĐT có thể một số quy trình vận hành giống nhau nhưng cũng có một số quy trình khác nhau, do vậy khi tiến triển khai nên có kế hoạch lần lượt trên từng sàn. Quá trình quản lý tồn kho sản phẩm cũng cần cân nhắc bởi nếu chưa có hoặc không có hệ thống tính tự động mỗi ngày qua việc bán hàng đa kênh sẽ gây nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý đơn hàng.
Thứ tư, về lựa chọn mô hình tham gia sàn TMĐT: Lựa chọn mô hình kinh doanh trên sàn TMĐT kết hợp với các hình thức kinh doanh truyền thống hoặc kinh doanh trực tuyến là xu hướng tất yếu bởi hệ sinh thái đang dần hoàn thiện của các sàn TMĐT sẽ giúp cho DN không chỉ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng mà còn giảm được việc quản lý hoạt động logistics cũng như thanh toán. Giúp khách hàng có nhiều lợi ích hơn về việc lựa chọn thời gian giao hàng, phương thức thanh toán cũng như hưởng lợi qua các chương trình khuyến mại của các sàn TMĐT.
Với mô hình ký gửi sản phẩm tại sàn TMĐT, DN có thể dựa hoàn toàn vào việc bán hàng, giao hàng và thu tiền cho các sàn TMĐT, lợi nhuận thu về thường sẽ thấp hơn nhưng việc quản lý sản phẩm bán sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, khi tham gia mô hình này, DN cần cân nhắc vấn đề bảo quản hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa dễ vỡ, khó chủ động khi muốn khuyến mại kèm quà tặng với các hàng đã gửi bán. Ngoài ra, khi tham gia mô hình này, DN sẽ khó hoặc không thu thập được các thông tin khách hàng, hạn chế việc chăm sóc khách hàng…
Thứ năm, về xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với DN trên sàn TMĐT: DN cần xây dựng chi tiết, mô tả cụ thể thông tin về sản phẩm. Ngoài việc đăng ảnh sản phẩm, DN có thể sử dụng các video/clip về sử dụng sản phẩm, tạo dựng uy tín dựa trên các phản hồi từ khách hàng đã mua hàng, đã trải nghiệm sản phẩm…; Cung cấp đầy đủ minh chứng về hàng hóa (xuất xứ hàng hóa, giấy bảo hành...); Chủ động cho phép khách hàng lựa chọn nhiều đối tác giao hàng, thời gian giao hàng cũng như phương thức thanh toán...