Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ:
Doanh nghiệp chủ động, Nhà nước hỗ trợ
Gần đây, một số doanh nghiệp trong nước đã chuyển hướng hoặc đã tham gia vào quá trình phát triển công nghệ, song chủ yếu vẫn là tự phát. Để doanh nghiệp thực sự quan tâm đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước bằng những chính sách cụ thể.
Đầu tư cho công nghệ còn thấp
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ. Điều này giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 được Tổng cục Thống kê công bố tháng 9/2018 cho thấy, trong ngành chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp công nghệ cao hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với doanh nghiệp công nghệ trung bình và thấp. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao năm 2016 đạt 7,5%, trong khi tỷ lệ tương ứng của doanh nghiệp công nghệ trung bình và thấp là 4,4%. Thu nhập bình quân năm 2016 của doanh nghiệp công nghệ cao đạt 8,38 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,8 lần năm 2011; trong khi thu nhập bình quân tương ứng của doanh nghiệp công nghệ trung bình là 7,25 triệu đồng và của doanh nghiệp công nghệ thấp là 6,3 triệu đồng.
Trên thực tế, để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ khi yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3 - 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích từ thu nhập trước thuế tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Nghị định số 95/2014/NĐ-CP)…
Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (R & D), trong khi tỷ lệ này ở Malaysia là 2,6%, ở Lào là 14,5%.
Còn theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 82/140 quốc gia về năng lực đổi mới sáng tạo. Xếp hạng các tiêu chí thành phần như ứng dụng các bằng sáng chế, chi tiêu cho R & D cũng ở mức thấp, lần lượt xếp hạng 89 và 76. Về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, trong số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó hạng 92 về công nghệ nền và hạng 77 về năng lực sáng tạo…
Lý giải cho việc các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa “mặn mà” với đổi mới công nghệ, trong Báo cáo Tình hình tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp thời đại số, do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây cho thấy, vấn đề nổi bật nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kỹ thuật số.
Gần 70% cho rằng đây là rào cản lớn nhất, cấp bách nhất sau khi xem xét quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thực tiễn tại doanh nghiệp. Đánh giá về kỹ năng nhân viên trong thời đại số, doanh nghiệp nhận định khả năng sử dụng công nghệ tự động hóa, khả năng phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống là các kỹ năng người lao động nói chung còn yếu.
Mặt khác, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, việc các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ nhiều còn bởi xuất phát từ nhu cầu tăng trưởng của doanh nghiệp chưa dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà vẫn dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên không tái tạo.
Ngoài ra, còn có các yếu tố như đại bộ phận là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dù đã có song nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận…
Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, không làm thay
Từng dẫn nhiều đoàn công tác của Việt Nam đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước phát triển, có kết quả tốt về đổi mới sáng tạo như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc các doanh nghiệp trong nước ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được như mong muốn là điều khiến ông “sốt ruột nhất”.
Ông thừa nhận, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề riêng của năm 2019, mà là cả giai đoạn sắp tới của Việt Nam. Hiện, Việt Nam còn hạn chế trong phát triển khoa học - công nghệ như năng lực cạnh tranh thấp, khả năng kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp. Do vậy, phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá, phát triển vượt lên. Đây sẽ là trọng tâm xuyên suốt trong thời gian tới để đưa Việt Nam phát triển.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp trong nước đã chuyển hướng hoặc đã tham gia vào quá trình phát triển công nghệ, song người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận “chủ yếu là tự phát”, đồng thời cho rằng bên cạnh sự vận động của doanh nghiệp còn cần bàn tay hỗ trợ đủ mạnh của Nhà nước.
Do vậy, thời gian tới, Nhà nước cần có nghiên cứu và hành động với các chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ và tiếp cận những công nghệ mới. Việc ra đời Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn đổi mới công nghệ.
Theo các chuyên gia, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, cần tạo kích cầu về công nghệ thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường hợp tác công tư trong triển khai dự án công nghệ quy mô lớn; tạo bứt phá về hạ tầng thông tin truyền thông, hạ tầng kết nối số, tạo bình đẳng trong tiếp cận nội dung số.
Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài phát triển công nghệ. Mấu chốt là phải lấy doanh nghiệp là động lực, trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, coi đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân vận động của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi chứ không làm thay.