Doanh nghiệp đẩy mạnh gửi tiền vào ngân hàng
Thay vì đẩy mạnh gửi tiền vào hệ thống ngân hàng trong một vài tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 11 và tháng 12 như các năm trước, năm nay, có tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đẩy mạnh gửi tiền ngay từ thời kỳ giữa năm.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tháng 8/2020, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã tăng trên 108.000 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của dân cư tăng gần 13.000 tỷ đồng, còn tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trên 95.100 tỷ đồng.
Như vậy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh trở lại trong tháng 8. Trước đó, vào tháng 7/2020, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng có tín hiệu chững lại khi chỉ tăng gần 9.400 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của dân cư tăng gần 4.900 tỷ đồng, còn lại khoảng 4.500 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.
Lũy kế 8 tháng năm 2020, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tăng 5,46% lên gần 5,1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 6,84% lên trên 4,2 triệu tỷ đồng.
Thống kê cho thấy trong lũy kế 8 tháng giai đoạn 2016 - 2020, có thời kỳ tăng trưởng tiền gửi của dân cư cao hơn tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 8 tháng năm 2016, 8 tháng năm 2017 và 8 tháng năm 2019.
2 năm ghi nhận diễn biến trái ngược là thời kỳ 8 tháng năm 2018 và thời kỳ 8 tháng năm 2020, khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn tiền gửi của dân cư.
Tuy nhiên, số liệu cuối năm cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi của dân cư. Cụ thể, năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 18,13%, so với mức tăng trưởng 17,4% của dân cư. Năm 2017 là 14,84% so với 13,54%. Năm 2018 là 15,97% so với 10,47%. Năm 2019 là 18,59% so với 10,36%.
Như vậy, việc các tổ chức kinh tế đẩy mạnh gửi tiền vào hệ thống ngân hàng trong tháng 8/2020 cũng như lũy kế 8 tháng năm 2020 vẫn phù hợp với xu hướng chung hàng năm. Xu thế này có thể tiếp diễn từ nay đến hết năm 2020 bởi diễn biến dịch vẫn rất khó lường, do đó doanh nghiệp có xu hướng phòng thủ. Điều này khác biệt so với các năm trước khi tiền gửi của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng thường chỉ tăng mạnh trong một vài tháng cuối năm, đặc biệt là trong tháng 11 và tháng 12.
Bên cạnh số liệu tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố chi tiết dư nợ tín dụng 8 tháng.
Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 4,82% so với đầu năm, trong khi mức tăng tiền gửi khách hàng (từ các tổ chức kinh tế và dân cư) là 6,08%.
Xét về số tuyệt đối, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng là trên 9,3 triệu tỷ đồng, so với mức dư nợ tín dụng gần 8,6 triệu tỷ đồng.
Như vậy, tiền gửi khách hàng lớn hơn dư nợ tín dụng xét cả về số tương đối lẫn số tương đối. Khoảng cách này càng lớn thì lợi nhuận ngân hàng càng bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi xu hướng tăng chi phí huy động càng lấn át xu hướng tăng doanh thu tín dụng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc giảm lãi suất huy động nếu như đầu ra tín dụng vẫn yếu.
Liên quan đến dư nợ tín dụng, mức tăng 8 tháng mặc dù thấp nhưng tương đối đồng đều ở cả khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Ở khu vực nông nghiệp, dư nợ tín dụng nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,04%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng công nghiệp tăng 4,56% (trong đó tín dụng xây dựng tăng mạnh 7,13%). Ở khu vực dịch vụ, dư nợ tín dụng thương mại, vận tải và viễn thông tăng 5,04%; trong khi các hoạt động dịch vụ khác tăng 5,06%.