Doanh nghiệp đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết hoàn thiện cơ chế đầu tư và quản lý vốn

Bích Hà

Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) do Bộ Tài chính tổ chức ngày 9/7 tại Phú Thọ, đại diện doanh nghiệp nhà nước đã tâm huyết, góp ý hoàn thiện các Nghị định nhằm góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế nhà nước phát triển.

Đông đảo đại diện các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Đông đảo đại diện các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Mở rộng tối đa thẩm quyền của doanh nghiệp

 

Với những nội dung đổi mới của Luật và các Nghị định quy định chi tiết được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước. Từ đó, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đánh giá, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một Luật lớn, có vai trò quan trọng trong điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có VNPT.

Theo ông Nguyễn Đình Danh, Luật trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm; mở rộng tối đa thẩm quyền của doanh nghiệp ở hầu hết các nội dung.

Các Nghị định quy định chi tiết một số nội dung của Luật số 68/2025/QH15 được xây dựng trong một thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu đồng bộ về thời điểm có hiệu lực với Luật. Các Nghị định đã bao quát được gần như đầy đủ, chi tiết các vấn đề mà Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại diện VNPT phát biểu đóng góp ý kiến.
Đại diện VNPT phát biểu đóng góp ý kiến.

Đóng góp về dự thảo Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn Viettel cho biết, doanh nghiệp đã có ý kiến gửi Bộ Tài chính, trong đó có nội dung về điều kiện để công ty mẹ (F1) cho công ty con (F2) vay vốn theo Luật số 68/2025/QH15.

Tập đoàn Viettel mong muốn và kỳ vọng Nghị định sẽ mở ra một khung pháp lý phù hợp cho việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các hoạt động đầu tư, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, đối với quy định công ty mẹ chỉ được vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước, chưa được phép vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài. Viettel đề xuất mở rộng quy định này để bao gồm cả hoạt động vay vốn các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Góp ý về quy định vốn điều lệ, theo bà Hàn Mai Nga - Kế toán trưởng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xuất phát từ vướng mắc của VEC trong quá trình tăng vốn điều lệ vừa qua, đề xuất bổ sung nội dung về nguồn vốn ngân sách nhà nước giao cho doanh nghiệp hoặc các bộ ngành đã giải ngân và đầu tư vào dự án. 

Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đóng góp ý kiến.
Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đóng góp ý kiến.

Cơ bản nhất trí đối với nội dung Dự thảo các Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo. Đồng thời, từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ an ninh và hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đề xuất làm rõ hơn công thức xác định nhu cầu vốn điều lệ theo hướng bổ sung thêm mức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, để xác định nhu cầu vốn điều lệ bổ sung, bên cạnh dự kiến hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội hoặc mức độ đáp ứng thực hiện nhiệm vụ chính trị do cơ quan có thẩm quyền giao; nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận.

Nêu ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc VNPT, nhận định đây không chỉ là cơ sở để đánh giá, xếp loại doanh nghiệp mà còn để xem xét hiệu quả hoạt động của người đứng đầu doanh nghiệp và các kiểm soát viên. Qua đó, tạo động lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như tập thể người lao động trong doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Bên cạnh đó, đại diện VNPT đề xuất nên tùy vào các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau để có quy định hợp lý, chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phù hợp

Tương tự, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng, ngoài các chỉ tiêu như tại Dự thảo, cần bổ sung thêm một số tiêu chí hoặc có các yếu tố khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, đảm bảo an ninh năng lượng, nhiệm vụ chính trị quốc phòng…

Rà soát, hoàn thiện để các Nghị định được ban hành ngay khi Luật có hiệu lực

Tiếp thu và giải trình ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước - cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh, 3 dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các Nghị định hiện hành, có rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp với tinh thần Luật số 68/2025/QH15 và thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua.

Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp tâm huyết nhằm hoàn thiện và sớm ban hành các Nghị định.
Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp tâm huyết nhằm hoàn thiện và sớm ban hành các Nghị định.

Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát Luật 68/2025/QH15. Trong đó, quy định mở rộng phạm vi đầu tư, trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền quyết định đầu tư, vốn góp trên nguyên tắc phải then chốt, thiết yếu, phân cấp phân quyền chi tiết, cụ thể.

Dự thảo cũng đã quy định về chiến lược phát triển của doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh hằng năm, xác định lại vốn điều lệ, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, để làm cơ sở tránh những vướng mắc hiện nay làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển của doanh nghiệp.

Giải trình về xây dựng các chỉ tiêu tại Dự thảo Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết, việc xây dựng các chỉ tiêu cụ thể trong đánh giá, xếp loại hoạt động của doanh nghiệp bảo đảm tính khả thi trong việc giao kế hoạch và đánh giá; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước trong việc bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, dự báo xu hướng phát triển và biến động thị trường…

Đối với Dự thảo Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn có thêm nhiều ý kiến đóng góp bổ sung, hoàn thiện từ đại diện Tổng Công ty, Tập đoàn, các chuyên gia, cơ quan quản lý. Đặc biệt là đối với một số nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung tại Nghị định như công tác cổ phần hóa sẽ không còn gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc quản lý và sử dụng đất sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trân trọng và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, mang tính thực tiễn cao của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu để bổ sung, hoàn thiện để Nghị định sớm được ban hành đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trên tinh thần vừa làm vừa xếp hàng, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tổng hợp, kịp thời hoàn thiện dự thảo các Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với những nội dung đổi mới của Luật và các Nghị định quy định chi tiết được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước. Từ đó, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.