Doanh nghiệp dệt may ổn định đơn hàng đến hết quý III/2024
Phần lớn các doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024, và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ về sự khởi sắc của ngành dệt may trong những tháng cuối năm 2024.
Ông Cao Hữu Hiếu nhận định, dựa trên những tín hiệu đã có như đơn hàng về nhiều vào quý III và quý IV, cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023.
“Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, Ông Cao Hữu Hiếu bày tỏ.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may Việt Nam khởi sắc là do các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng.
Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết hiện tại doanh nghiệp đang có lượng đơn hàng đến hết tháng 9/2024, tuy nhiên các đơn hàng lại có giá trị thấp và ngắn hạn.
“Những năm qua, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận trên mỗi sản phẩm xuống còn 60-70% so với trước. Đây là xu hướng dài hạn mà không phải do kinh tế khó khăn”, ông Phạm Quang Anh nhấn mạnh.
Mặc dù, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024, nhưng theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang hiện nay doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn.
Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn. Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động. Trong đó, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn. Phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
"Phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Trần Thanh Hải nói.