Nhập khẩu thép cán nóng tăng mạnh
Thép cuộn cán nóng (HRC) hiện nay nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Điều này khiến các doanh nghiệp thép trong nước lo ngại mất thị phần cũng như giảm khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Thép HRC là thép tấm ở dạng cuộn, sản phẩm được sản xuất theo quy trình cán nóng. Loại thép này là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Như vậy, cần nhập khẩu thêm khoảng 3- 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, lượng nhập khẩu HRC vào nội địa cao hơn nhiều con số này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 886.000 tấn thép HRC, bằng khoảng 151% lượng thép được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, lượng thép được nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc có tỷ lệ lớn, chiếm 77%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023, bằng khoảng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.
Việc thép nhập khẩu tràn vào nội địa với số lượng cao hơn nhiều so với tỷ lệ sản xuất trong nước khiến các doanh nghiệp thép trong nước lo ngại mất thị phần cũng như giảm khả năng cạnh tranh.
Trước tình hình nhập khẩu thép HRC tăng mạnh, hồi tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng. Từ đó, chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Theo Bộ Công Thương, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Điển hình như Thái Lan đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng Trung Quốc do thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép nước này chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Công Thương cho biết đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng của Chính phủ tháng 6 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài. Cơ quan này cũng khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường, đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích tại thị trường trong nước và ngoài nước…