Doanh nghiệp địa ốc "góp gạo thổi cơm chung"

Theo Gia Huy/nhadatu.vn

Không còn cái thời “đơn thương độc mã”, nhiều doanh nghiệp địa ốc như Phú Long đã bắt tay cùng Keppel land, Hưng Thịnh bắt tay cùng Phúc Khang, Đại Phúc bắt tay cùng Him Lam land… để cùng phát triển dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Góp gạo thổi cơm chung"

Có trong tay quỹ đất rộng 6,2ha tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh nhưng nhiều năm chưa triển khai, đến đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long đã bắt tay cùng với Công ty TNHH Keppel Land - một doanh nghiệp đến từ Singapore và thực hiện dự án mang chung cư tên Celesta Rise trên quỹ đất này. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng, phía Keppel Land góp 60%, Phú Long góp 40% số vốn còn lại của dự án.

Được biết, đây là lần đầu tiên Phú Long hợp tác với một doanh nghiệp bất động sản nước ngoài và cũng là cái bắt tay đáng mong đợi nhất. Ngay sau lễ ký kết thỏa thuận, hai đơn vị đã triển khai thực hiện phát triển xây dựng và mở bán dự án có quy mô gồm 5 block cao 21 tầng, với tổng cộng 2.400 căn hộ và các căn hộ thương mại.

Cái bắt tay tiếp theo cũng được gọi là “bom tấn” khi được đánh giá sẽ khiến thị trường bất động sản khu Nam sôi động trong năm tới đó là việc Tập đoàn Him Lam mà đại diện là Him Lam Land cùng với Tập đoàn Vạn Phúc sẽ hợp tác cùng phát triển dự án trên quỹ đất rộng 119.458 m2 tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, quỹ đất này nằm trong khu chức năng số 6A Đô thị mới Nam Thành Phố, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh giáp Khu quy hoạch dân cư Trung Sơn. Dự án được TP. Hồ Chí Minh giao cho Him Lam từ nhiều năm nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện, tới năm 2020 Him Lam đã lên phương án cùng Tập đoàn Vạn Phúc để triển khai dự án này. Theo đại diện của Tập đoàn Vạn Phúc thì hiện dự án đang được san lấp mặt bằng và dự kiến triển khai trong năm tới. Đặc biệt, dự án được quy hoạch diện tích đất ở lên tới 58.970 m2 (chiếm 49,35% tổng diện tích dự án).

Câu chuyện “góp gạo thổi cơm chung” của hai doanh nghiệp nữa cũng được giới đầu tư nhận xét khá thành công và tạo ra một dự án bất động sản có sức hút tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Đó là sự kết hợp của Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group với Công ty TNHH Hương Nga, dự án có tổng diện tích gần 5ha, phát triển 262 sản phẩm với yếu tố nghĩ dưỡng, tiện ích khá cao cấp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group cho biết doanh nghiệp này cũng đang bắt tay cùng một doanh nghiệp có quỹ đất rộng hơn 8ha tại quận 8 để triển khai phát triển dự án bất động sản theo hình thức như đang hợp tác cùng Công ty Hương Nga. Dự án sẽ ra mắt thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cái bắt tay này được cụ thể hóa bằng việc Phú Đông Group sẽ góp tiền và phát triển dự án cũng như bán hàng, còn Công ty Hương Nga góp đất. Hiện dự án đã hoàn thiện pháp lý, hạ tầng giao thông và đang giới thiệu tới khách hàng.

Trao đổi với PV Nhadautu.vn, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO Phúc Khang Corp - một doanh nghiệp chuyên về bất động sản xanh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020 doanh nghiệp bà điều hành chuyển sang chủ yếu phát triển mảng đầu tư dự án. Hiện Phúc Khang Corp và Tập đoàn Hưng Thịnh Corp đang bắt tay nhau để phát triển 2 dự án chung cư cao cấp tại đường Mai Chí Thọ TP. Thủ Đức.

Cái bắt tay này được bà Mẫu cho biết là hai doanh nghiệp có quỹ đất cạnh nhau nên đã quyết định cùng nhau góp đất và góp vốn để triển khai dự án, tuy nhiên Hưng Thịnh Corp sẽ đóng vai trò chủ đạo trong bán hàng vì đây là thế mạnh của Hưng Thịnh Corp. Hiện dự án được bà Mẫu cho biết đang triển khai phát triển khâu pháp lý và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Hay như cái bắt tay 3 bên gồm Keppel Land, Trần Thái, Tiến Phước năm 2018 tới nay để thực hiện dự án Empire City tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Dự án được giao cho Công ty Trần Thái, sau đó doanh nghiệp này kêu gọi sự hợp tác của hai doanh nghiệp còn lại. Dự án nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, với diện tích 14,6ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD với hơn 3.000 căn hộ và tòa nhà cao nhất TP. Hồ Chí Minh với 86 tầng…

Năm 2020, Tập đoàn Phát Đạt cũng đã có cái bắt tay với Tập đoàn Danh Khôi để giao cho doanh nghiệp này phát triển 2 dự án gồm Dự án Kỳ Co Gateway và khu căn hộ du lịch ven biển tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Và một dự án tại TP. Mới tỉnh Bình Dương…

Bắt tay nhau "cùng tiến"

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Kinh doanh Phú Đông Group cho biết, ngay từ khi thành lập mảng bất động sản năm 2014, doanh nghiệp đã có cái bắt tay với Công ty CP Địa ốc Him Lam Land để phát triển dự án mang tên Him Lam Phú Đông tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sau thành công của dự hợp tác này, Phú Đông Group đã tiếp tục đi theo hướng kết hợp với các doanh nghiệp khác theo hình thức doanh nghiệp có đất và Phú Đông có vốn cũng như kinh nghiệm triển khai dự án để cùng nhau phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiêp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, sự xích lại giữa các doanh nghiệp trong ngành bất động sản được Hiệp hội hiểu đây là xu hướng rất tốt, phát huy thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau, tạo ra sự thúc đẩy phát triển. Câu chuyện bắt tay giữa Keppel Land và Phú Long, Đại Phúc và Him Lam… là một điển hình và thời gian tới có thể sẽ có những cái bắt tay của nhiều doanh nghiệp lớn khác sẽ tạo ra cho thị trường sự sôi động mới.

“Tôi cho rằng đây là xu hướng các chủ đầu tư nên tính toán, người có thế mạnh về xây dựng bắt tay với người mạnh về phân phối sẽ làm thị trường phát triển tốt hơn. Xu hướng này sẽ khá nhộn nhịp trên thị trường thời gian tới”, ông Châu nói.

Ông Hà Văn Thiện, Phó TGĐ Tập đoàn bất động sản Trần Anh Group cho rằng có 2 lý do tạo ra xu hướng “góp gạo thổi cơm chung” của doanh nghiệp địa ốc trong thời gian qua.

Thứ nhất là sự kết nối giữa các doanh nghiệp lại với nhau trong kinh doanh sẽ tốt hơn cho từng doanh nghiệp khi phải tự mày mò phát triển, tránh được sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ.

Thứ hai, hợp tác sẽ làm cho các đơn vị thành viên mạnh hơn về năng lực tài chính, mạnh hơn về tiếp thị, mạnh hơn về năng lực phân phối. Đặc biệt sau khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực vào năm 2015 với dòng vốn ngoại đổ vào thì sự liên minh này sẽ tạo được sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Thiện cũng cho rằng để nồi cơm thơm ngon sau việc “góp gạo” thì hạt gạo phải đẹp, thơm ngon chứ không phải là những hạt gạo mốc và nhiều sạn. Tức là các doanh nghiệp tham gia vào khối liên kết này phải có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, phải mạnh, phải dồn tâm, dồn sức vì mối liên kết này nếu không mối liên kết này sẽ dễ đổ vỡ.

Được biết, việc lo ngại của ông Thiện trong thời gian qua đã diễn ra khá nhiều khi xuất hiện nhiều thương vụ hợp tác – khi mới bắt tay thì dành cho nhau những lời “có cánh” nhưng về sau lại “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí còn tố cáo nhau, lôi nhau ra tòa.

Đơn cử như vụ việc Công ty CP Trung Sơn Bắc thuộc Tập đoàn Nam Group, là chủ đầu tư dự án Thanh Long Bay ở Bình Thuận với DKRA Vietnam. Năm 2019 hai doanh nghiệp này bắt tay nhau phát triển dự án Thăng Long Bay, nhưng năm 2020 DKRA Vietnam lại kiện Nam Group ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận và yêu cầu doanh nghiệp này phải trả hơn 84 tỷ đồng cho DKRA Vietnam. Theo DKRA Vietnam thì đây là số tiền mà Nam Group phải trả cho tiền môi giới và đặt cọc khi hợp tác của DKRA Vietnam.