Doanh nghiệp địa ốc nước ngoài nhanh chân với TPP
Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức hoàn tất việc đàm phán, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) nhận định, TPP không chỉ tác động tích cực tới các ngành kinh tế như nông sản, dệt may,... mà nhiều phân khúc ở thị trường BĐS như văn phòng, nhà xưởng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cũng được hưởng lợi lớn.
Nhà đầu tư ngoại háo hức
Theo ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi TPP được hiện thực hóa, nhất là ở các phân khúc BĐS công nghiệp, kho vận, nhà xưởng. Với một lượng lớn các công ty sản xuất sẽ thành lập nhà xưởng mới, nhiều khu công nghiệp Việt Nam có cơ hội thu hút được nhiều khách thuê từ các nước châu Á khác.
Bên cạnh đó, các phân khúc như văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ vànhà ở cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn với việc các doanh nghiệp,công ty trong và ngoài nước thành lập mới, theo đó số lượng nhân công mới và sức mua gia tăng trên diện rộng.
Theo một báo cáo của Tập đoàn Eurasia về TPP vừa được công bố cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ lên tới 11% và xuất khẩu tăng 28% vào năm 2025 khi mà các công ty di chuyển nhà máy sản xuất của họ đến Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp.
Về việc các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị thế nào để hưởng lợi từ TPP, hầu hết các doanh nghiệp này đều đánh giá, TPP sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường địa ốc Việt Nam. Trái ngược hẳn với sự thờ ơ của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài đã nhanh chóng tiến hành đầu tư khu công nghiệp, nhà xưởng, mặt bằng bán lẻ,văn phòng cho thuê tại các TP lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội,..
Điển hình, cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Ascendas (Singapore) đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Khu phức hợp OneHub Saigon tại Khu công nghệ cao quận 9 TP. Hồ Chí Minh (SHTP) với số tiền đầu tư lên tới 130 triệu USD.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các khu công nghiệp, căn hộ vàtòa nhà văn phòng ở Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, các nhà đầu tư Singapore khác như Keppel Land, Famed Banyan Tree và Capital Land cũng thông báo kế hoạch đầu tư vào những dự án BĐS quy mô lớn tại Việt Nam.
Mới đây, một công ty liên kết vốn với Đài Loan - Công ty TNHH Tân Thuận đã tổ chức khánh thành khu nhà xưởng cao tầng tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh với số vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Đại diện Công ty cho biết, khi nhà xưởng chưa khánh thành đã có doanh nghiệp Nhật Bản thuê toàn bộ diện tích.
Trên đây chỉ là số ít những công ty nước ngoài trong thời gian qua đổ bộ vào Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực BĐS và sắp tới làn sóng này sẽ không dừng lại. Như vậy có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy nhiều lợi thế và có thể kiếm lời cao từ thị trường BĐS Việt Nam trước khi TPP được ký kết.
Ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu chế xuất Tân Thuận) cho rằng, TPP sẽ là “cơn gió” đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam.
Theo ông Hồng, đây là cơ hội để các nhà đầu tư BĐS trong nước xây dựng khu công nghiệp, nhà xưởng cho thuê. Vì các công ty của 12 nước trong khối TPP đã sớm nhìn thấy thế mạnh của Việt Nam, từ việc giá thuê nhà xưởng thấp, giá thuê nhân công rẻ, giao thương đường hàng không và trên biển thuận lợi.
Còn ông William Tay, quản lý thị trường Đông Nam Á của Tập đoàn Ascendas thì nhìn nhận, TPP là cú hích cho thị trường BĐS khi các nhà công nghiệp đang tìm thêm không gian để mở rộng hoạt động trong bối cảnh các cơ hội thương mại ngày càng nhiều để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Còn nhiều trở ngại
Ông Jonathan Tizzard cho hay, trở ngại lớn có thể làm khựng lại sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian tới chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường xá. Chất lượng và tốc độ di chuyển trên những con đường chính hiện nay rất chậm, đấy là chưa kể là số lượng đường đạt chuẩn cũng khá ít, khiến lãng phí thời gian và tiền bạc. Các sân bay nhìn chung là cũ và đã sử dụng hết công suất; nhiều cảng biển có quy mô nhỏ với mức độ hiệu quả khác nhau, thủ tục hải quan còn kéo dài.
Các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, thách thức lớn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam là nguồn vốn đầu tư, tuy vốn đầu tư cho các nhà xưởng tại các khu công nghiệp không cao, song nguồn thu lại chậm.
Với những dự án văn phòng cho thuê cao cấp cần nguồn vốn nhiều thì lại thiếu quỹ đất xây dựng, do hiện tại quỹ đất tại trung tâm các TP lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã cạn kiệt, trong khi đó giá đất lại khá cao. Mặt khác, việc xúc tiến thương mại trong nước cũng là một hạn chế vì thủ tục khá rườm rà khiến các nhà đầu tư e ngại.