Doanh nghiệp điện, điện tử ổn định xuất khẩu
Mặc dù số lượng doanh nghiệp điện, điện tử Việt Nam còn ít (phần lớn kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI), nhưng không thể phủ nhận đóng góp vượt trội của ngành điện, điện tử vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, mặc dù mới chỉ tham gia xuất khẩu trên dưới 15 năm, nhưng hai ngành công nghệ điện và điện tử hiện nay đã vượt qua nhiều lĩnh vực xuất khẩu truyền thống (dệt may, giày dép, thủy sản…) và giữ vị trí xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chỉ tính riêng quý I/2020 giá trị xuất nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh đến 28,7% (tương đương 9,08 tỷ USD). Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,2% (đạt 12,88 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường nhập khẩu chính của nhóm hàng điện, điện tử là Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kong…
Sự vượt trội kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng này cho thấy ưu thế về giá trị gia tăng, năng suất lao động của lĩnh vực công nghệ cao. Và mặc dù số lượng doanh nghiệp điện, điện tử Việt Nam còn ít (phần lớn kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI), nhưng không thể phủ nhận đóng góp vượt trội của ngành điện, điện tử vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành VEIA nhận định, so với nhiều ngành hàng đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, ngành điện, điện tử cũng không ngoại lệ, các doanh nghiệp hiện cũng gặp khó do thiếu nguyên phụ liệu sản xuất bởi gián đoạn vận tải (các nhà máy của LG, Samsung chậm nhận được nguyên liệu sản xuất do hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn). Hay nhà máy sản xuất của hãng Apple đã có kế hoạch tăng sản xuất cho xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, nhưng sản lượng còn phụ thuộc vào các công ty gia công là Samsung, Foxconn, LG…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh đã có sự cải thiện, các doanh nghiệp điện, điện tử chuẩn bị tăng sản xuất trở lại, và như vậy, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong ngành sẽ không giảm (so với năm 2019). Chỉ riêng Samsung Việt Nam năm 2019, xuất khẩu đã đạt khoảng 59 tỷ USD, doanh nghiệp cho biết vẫn cố gắng vượt qua dịch bệnh để tăng thêm kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Samsung không phụ thuộc quá nhiều vào việc vận chuyển nguyên phụ liệu qua đường bộ (cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn) mà sẽ sử dụng các phương án vận chuyển khác nhau bao gồm đường biển, hàng không để đảm bảo ổn định sản xuất.
Theo ông Tào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Điện tử Bình Minh (tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp chuyên sản xuất chip dao động thạch anh), ngành điện, điện tử của Việt Nam hiện đã thiết lập được chuỗi cung ứng tốt. Trong đó, các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia (Samsung, LG, Apple…) đóng vai trò đầu chuỗi đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước phát triển sản xuất. Đây chính là tiềm năng và cơ hội để doanh nghiệp ngành điện, điện tử Việt Nam ngày càng tăng đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao, góp phần làm sôi động chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nội địa.