Thay đổi phương thức quản lý trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh
Qua 7 năm nỗ lực cải cách cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất.
Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết 02) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2020.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Để cùng tìm hiểu rõ hơn về những nỗ lực và các giải pháp cải cách thủ tục kinh doanh của các cơ quan trong Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Phóng viên: Qua 7 năm liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị định về cải cách thủ tục kinh doanh, ông đánh giá như thế nào về các kết quả đạt được?
Ông Phan Đức Hiếu: Sau 7 năm thực hiện các nghị quyết liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Đầu tiên phải khẳng định là đã cắt giảm được sự tùy tiện của các bộ ngành trong việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến điều kiện kinh doanh.
Trước đây, các điều kiện kinh doanh có thể nằm cả trong các thông tư, có nghĩa là thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành. Thậm chí trước đây, một số địa phương cũng có thể ban hành điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ quy định tất cả các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong nghị định, có nghĩa là thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội. Như vậy, Việt Nam đã chấm dứt được tình trạng tùy tiện trong việc đưa ra các điều kiện kinh doanh.
Thứ hai, sau 7 năm, chúng ta đã dần dần cắt bỏ được số lượng các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết. Ví dụ từ năm 2017-2019, Việt Nam đã cắt giảm được hàng nghìn các điều kiện kinh doanh. Như vậy, chúng ta đã giảm được các yêu cầu bất hợp lý và giảm được gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Là thành viên Ban soạn thảo Nghị quyết năm nay, ông có thể chia sẻ về những nội dung trọng tâm được đặt ra trong năm nay như thế nào?
Có thể nói, cách tiếp cận của Nghị quyết 02 năm nay khác năm 2019. Có điểm chung là Chính phủ vẫn lấy cách tiếp cận chung của thế giới về cải thiện môi trường kinh doanh, lấy thứ tự xếp hạng chung của thế giới là trọng tâm và là thước đo cho sự thành công hay thất bại của việc cải cách nhưng điểm nhấn năm nay là tập trung ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, Chính phủ tập trung cải cách điều kiện kinh doanh, điều này các nước không làm như vậy.
Thứ hai, năm nay Chính phủ đưa ra các chỉ đạo rất cụ thể trong yêu cầu về cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Ví dụ yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP Quy định về lệ phí môn bài. Điều này khác với năm 2019, khi Chính phủ tạo dư địa linh hoạt cho các bộ, ngành cắt giảm và thực thi cải cách.
Thứ ba, Chính phủ nhấn mạnh đến cải cách thực chất về cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp chứ không nhấn mạnh đến thứ hạng cải cách để đánh giá về thành công trong cải cách môi trường kinh doanh.
Thưa ông, Chính phủ đã rất nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo cải cách thủ tục kinh doanh, còn về phía các bộ, ngành và địa phương thì sao? Theo ông, những ngành, lĩnh vực nào chậm cải cách nhất?
Rất khó để nói cảm quan về bộ, ngành nào tích cực hay không tích cực. Muốn so sánh, chúng ta chỉ xem lĩnh vực nào còn chậm cải cách thì rõ ràng là ngành, bộ đó chưa tích cực.
Ví dụ trong những năm qua chỉ số về phá sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng vẫn còn chậm cải cách, trong khi nhiều chỉ số cải cách có tiến bộ.
Tất nhiên trong 3 tháng thực hiện Nghị quyết 02, đã ghi nhận một số bộ ngành rất tích cực trong cắt giảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Bộ Công Thương đã lần thứ 2 cắt giảm các điều kiện kinh doanh cho thấy sự nỗ lực của Bộ này.
Mặc dù các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam vẫn rất thấp. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để đạt mục tiêu nâng chỉ số này lên từ 10-15 bậc như Nghị quyết 02 đã đặt ra?
Như tinh thần của Thủ tướng yêu cầu trong Nghị quyết 02, muốn cải cách các thủ tục gia nhập thị trường thì phải cắt giảm các thủ tục không cần thiết.
Hiện để gia nhập thị trường phải qua 8 thủ tục liên quan và phải mất 17 ngày với các chi phí không cần thiết. Như vậy, chỉ có cắt giảm các thủ tục này mới có thể nâng cao chỉ số về khởi sự doanh nghiệp.
Từ đầu năm đã có động thái tích cực trong việc cải thiện các chỉ số gia nhập thị trường.
Cụ thể, như Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.
Nghị định quy định cắt giảm thuế môn bài năm đầu tiên cho doanh nghiệp, điều này đã giúp doanh nghiệp tham gia thị trường dễ hơn và giảm chi phí 2 triệu đồng cho doanh nghiệp.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang được giao là đầu mối sửa đổi Luật Doanh nghiệp; trong đó dự kiến bãi bỏ các thủ tục không cần thiết liên quan đến con dấu hay thủ tục khai thuế. Điều này sẽ tạo điều kiện cải thiện hơn chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam.
Hiện có nhiều bộ luật quy định về các điều kiện kinh doanh chung chung tạo ra các rào cản cho doanh nghiệp. Vậy xin ông cho biết đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Cách làm hiện nay là đang yêu cầu các bộ, ngành tự rà soát các điều kiện kinh doanh của chính mình sau đó lại tự kiến nghị cắt bỏ. Đấy là cách quản lý điều kiện kinh doanh theo đầu vào.
Cách làm này trong thời gian qua cũng đã ghi nhận hiệu quả nhất định tuy nhiên vẫn có giải pháp khác có thể hiệu quả hơn.
Nhìn các điều kiện kinh doanh có thể thấy còn nhiều dư địa để cắt giảm. Chính vì vậy, cần phải thay đổi phương thức quản lý theo phương thức đầu ra. Nghĩa là chúng ta cần có bộ phận tham mưu của Chính phủ. Bộ phận này rà soát, kiến nghị và có thẩm quyền độc lập kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.
Để môi trường kinh doanh Việt Nam lọt vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN như mục tiêu đặt ra, chúng ta cần có các giải pháp hữu hiệu gì, thưa ông?
Theo tôi, trong thời gian tới, cần có các biện pháp mới.
Thứ nhất, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất.
Thứ hai, cần có sự áp đặt từ trên xuống, vì cải cách đôi khi không tạo ra được sự đồng thuận tất cả. Như tôi đề xuất ở trên là cần thành lập đơn vị tham mưu cho Chính phủ có đủ thẩm quyền và độc lập về chuyên môn để kiến nghị Chính phủ và áp đặt các bộ, ngành thực hiện.
Xin cảm ơn ông.