Doanh nghiệp FDI có nhu cầu cao về nội địa hóa sản phẩm
Các doanh nghiệp (DN) cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà cung ứng từ nước ngoài, nhất là hàng từ Trung Quốc giá rẻ.
Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam rất cần sản phẩm CNHT trong nước để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI, nhưng nỗ lực cung ứng của DN trong nước còn hạn chế đang là “bài toán” nan giải...
Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Lidovit cho biết, Công ty đang được Samsung hỗ trợ và từ trải nghiệm của mình cho thấy, để cung ứng sản phẩm cho DN toàn cầu, các DN Việt Nam cần phải có hệ thống quản trị tiên tiến, đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, cần hoàn thiện chính sách bán hàng, giao hàng, xử lý sau bán hàng và đặc biệt là chú trọng đến vấn đề môi trường. Điển hình, như Samsung đưa ra 141 tiêu chuẩn cho các nhà mua hàng.
Vì vậy, DN xác định khi đã là nhà cung ứng thì không phải chỉ cung ứng một lần mà phải cung ứng bền vững, ổn định, cạnh tranh công bằng với các nhà cung ứng khác. Chính vì vậy, DN phải tự khẳng định mình về công nghệ, quản trị, chính sách bán hàng, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định.
Là một DN FDI vừa đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế 300 triệu USD tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Quang Huy, phụ trách mua hàng của Công ty Nipro cho biết, hiện các nhà cung cấp nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, 80% nguyên vật liệu của DN vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong thời gian tới, nếu các DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, thì Nipro sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% để có giá thành tốt hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đã có nhiều FTA có hiệu lực. Theo đó, hàng loạt mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang một số quốc gia mà Việt Nam có FTA sẽ được hưởng thuế ưu đãi. Chính vì vậy, thời gian gần đây, Việt Nam đã đón hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng, mở rộng sản xuất, xuất khẩu nhằm hưởng thuế ưu đãi.
Cùng với đó, các DN FDI cũng đã ráo riết tìm kiếm các DN trong nước cung ứng sản phẩm hỗ trợ để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, DN Việt Nam có đến 98% là DN nhỏ và vừa, và chỉ có khoảng 21% DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI, đây là còn số rất thấp.
Nguyên nhân, DN Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý còn kém, rào cản ngôn ngữ, hạn chế năng lực tài chính... Chính vì vậy, xuất khẩu của DN FDI chiếm đến 70% xuất khẩu cả nước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa không nhiều, đa phần DN FDI lựa chọn nhà cung cấp tại các nước khác.
Với việc thu hút FDI ngày càng lớn, dẫn đến nhu cầu cần cung ứng sản phẩm CNHT của DN Việt cũng rất cao. Do vậy, để tăng khả năng cung ứng sản phẩm CNHT của DN trong nước, Bộ Công thương đang nỗ lực hỗ trợ DN tháo gỡ những rào cản kỹ thuật liên quan đến vốn, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực trình độ cao...
Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương dẫn chứng, DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 DN tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Trong đó, có 16 hồ sơ dự án được tiếp nhận, 9 dự án được thẩm định vay với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng.
Đặc biệt, có 2 dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ vốn, Thành phố cũng chỉ đạo đơn vị đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp dành ra quỹ đất để DN đầu tư nhà xưởng. Hiện, Thành phố cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập khu công nghiệp mới với quỹ đất dự kiến gần 300ha để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay.