Doanh nghiệp hướng đến kinh tế xanh


Nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bởi đây là một xu thế tất yếu. Do đó, Chính phủ và thành phố cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý làm động lực cho doanh nghiệp tham gia phát triển bền vững.

Khu vực tập kết nguyên liệu tại Công ty TNHH Giấy Xuân Mai ở Khu công nghiệp Hiệp Phước để thực hiện tái chế.
Khu vực tập kết nguyên liệu tại Công ty TNHH Giấy Xuân Mai ở Khu công nghiệp Hiệp Phước để thực hiện tái chế.

Sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí

Đóng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai là một trong số những doanh nghiệp đi đầu áp dụng mô hình sản xuất “kinh tế tuần hoàn” nhằm tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm chất thải phát sinh.

Nhiều năm qua, tại hai nhà máy có công suất 95.000 tấn/năm, công ty đã đầu tư các hệ thống máy móc như hệ thống lọc đĩa để thu hồi bột và tái sử dụng nước, hệ thống lò hơi tầng sôi 30 tấn/giờ, biến toàn bộ rác thải đầu ra của ngành sản xuất giấy thành nguyên liệu đốt đầu vào của lò hơi. Đồng thời, công ty thu gom giấy vụn từ các nhà máy có phát sinh loại này để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh,…

Ông Phạm Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: Công ty đã đầu tư thiết bị và công nghệ nhằm giảm việc sử dụng nguyên, nhiên liệu, giảm lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, giảm việc ảnh hưởng của quá trình sản xuất đến môi trường. Trung bình, mỗi năm công ty tiết kiệm được khoảng 200.000 USD nhờ chuyển đổi xanh. Ban lãnh đạo công ty cũng xác định kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững.

Ban Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước thông tin, hiện có 30 doanh nghiệp tại đây tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường.

Trong đó, Công ty Giấy Xuân Mai được Khu công nghiệp chọn tham gia dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam (theo chương trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO).

Với xu thế bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững, mô hình “cộng sinh công nghiệp” đã được một số doanh nghiệp tại khu công nghiệp này cùng nhau thực hiện. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác...

Hỗ trợ doanh nghiệp xanh từ chương trình kích cầu

Tăng trưởng xanh với hành trình hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 là một trong những mục tiêu mà chính quyền thành phố hướng đến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhiều khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung ở TP. Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển đổi sản xuất sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Đơn cử, Tập đoàn Unilever đã đưa ra những cam kết và đặt mục tiêu giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, giảm phát thải “net-zero” vào năm 2039. Để thực hiện mục tiêu này, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết: Nhà máy Củ Chi đã tái chế giấy vụn, bìa các-tông thành những viên nén gỗ sạch để đốt lò hơi thay cho dầu diesel vào năm 2016, góp phần giảm 276 tấn khí thải CO2. Năm 2019, nhà máy chuyển sang sử dụng nguồn điện xanh thông qua chứng chỉ điện xanh, chuyển đổi sang sử dụng tất cả xe nâng điện góp phần giảm 1.999 tấn CO2 phát thải hằng năm tại toàn bộ trung tâm phân phối.

Với chiến dịch “Tương lai xanh”, Unilever Việt Nam còn hướng đến công thức sản phẩm và bao bì xanh hơn. Cụ thể, doanh nghiệp cam kết loại bỏ toàn bộ các carbon nguồn gốc hóa thạch không thân thiện với môi trường, thay thế bằng thành phần có nguồn gốc thiên nhiên và có khả năng phân hủy sinh học đến 100%.

Theo chia sẻ của Unilever Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất, việc thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất cũ sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chưa có một tiêu chuẩn và hướng dẫn mang tính quy tắc từ phía Nhà nước, thiếu sự hỗ trợ và chính sách đồng bộ từ Chính phủ.

Theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, thành phố nên vận dụng tốt các chính sách, cơ chế của Nghị quyết số 98 để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững. Trong đó, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế xanh nên dựa vào các tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần ý thức việc liên kết trong phát triển bền vững để hỗ trợ lẫn nhau khi chuyển đổi mô hình sản xuất. Việc kết nối khu vực, kết nối quốc tế, kết nối công -tư phải đẩy mạnh hơn nữa.

Ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thành phố rất quan tâm đến hoạt động phát triển bền vững, trong đó có việc áp dụng các tiêu chí ESG: môi trường-xã hội-quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, rào cản hiện nay khiến doanh nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi xanh là nguồn tài chính và nhận thức về phát triển bền vững. Do đó, Chính phủ cần có những ưu đãi phù hợp về thuế, tiền thuê đất đối với những doanh nghiệp giảm phát thải, khí thải, qua đó kích thích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, thực hiện sản xuất xanh hướng đến bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội.

Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, cung cấp về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất có thể ứng dụng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời đề xuất chính quyền thành phố xem xét đưa nội dung sản xuất xanh, tuần hoàn vào chương trình kích cầu nhằm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hợp lý và thiết thực, đi kịp với xu hướng trên thế giới về phát triển bền vững.

Theo nhandan.vn