Doanh nghiệp làm chủ thị trường nội địa với tư thế từng vươn ra quốc tế
(Tài chính) Hiện nay, hàng Việt và doanh nghiệp Việt không những đã và đang chiếm lĩnh trên thị trường thế giới, mà còn có nhiều tín hiệu khởi sắc ở thị trường nội địa. Hội nhập đã tạo hiệu ứng rất rõ nét cho chất lượng hàng Việt và sự khẳng định tư thế sẵn sàng của doanh nghiệp Việt trên sân nhà. Hội nhập sẽ là yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp Việt và cũng là thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
2015 sẽ là năm đánh dấu sự kiện Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đến năm 2018, Việt Nam sẽ hội nhập hoàn toàn vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng đồng nghĩa với thị trường các nước ASEAN là thị trường đồng nhất, với nhiều mặt hàng giảm thuế về mức 0-5%. Nhiều Tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với giá cả và chất lượng hàng hóa mang tính cạnh tranh cao. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư máy móc thiết bị và khâu thiết kế để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Đồng thời, việc củng cố hệ thống bán hàng ở thị trường trong nước, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hải đảo đã được các doanh nghiệp Việt tính đến, vì phân khúc thị trường này hàng ngoại vẫn chưa thể cạnh tranh được. Trong quá trình hội nhập, để hàng Việt có mặt trong hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại lớn nhiều hơn cần sự nỗ lực hơn từ phía các doanh nghiệp. Giám đốc chi nhánh Hà nội của Trung tâm thương mại Saigon CoopMart Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, 2015 sẽ có rất nhiều điểm trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam được gỡ bỏ đối với thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chủ động trong việc khai thác thị trường, vì chính doanh nghiệp hiểu rõ mình cần gì và phát triển như thế nào; đặc biệt phải đo lường trực tiếp năng lực bản thân mới phát huy được tiềm năng trong tương lai.
Theo các chuyên gia, trong quá trình hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt chưa thể bằng lòng với những thành công trước mắt, mà cần phải có chiến lược dài hơi hơn trong cạnh tranh, nếu không hàng Việt khó cạnh tranh với hàng ngoại ở thị trường nội địa. Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, chính các nhà sản xuất Việt Nam có thể sản xuất ra sản phẩm tốt nhưng cách tiếp thị, cách bán hàng phải chuyên nghiệp hơn, do vậy, doanh nghiệp phải làm được sản phẩm đi vào hệ thống bán lẻ hiện đại cũng như chợ truyền thống, nếu không hệ thống thương mại hiện đại sẽ thu mua từ các nguồn khác. Không thể nói, có sự xâm nhập của các nhà bán lẻ hiện đại thì các doanh nghiệp Việt dần mất thị phần. Có mất thị phần hay không là do các nhà sản xuất Việt Nam có làm ra các sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh được khi mở cửa hay không.
Năm 2015, để đứng vững trong quá trình cạnh tranh hội nhập, trình độ sản xuất của doanh nghiệp Việt phải ngày càng nâng cao, ngang bằng với các nước trong khu vực, công nghệ được cải tiến, để đưa ra chất lượng sản phẩm cao, giá thành hợp lý. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới vượt qua được trở ngại sức mua thị trường giảm, mức giá cạnh tranh được với hàng ngoại. Và vấn đề cốt lõi nữa là sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ hơn, giảm nhiều chi phí trong khâu lưu thông phân phối để người dân được hưởng lợi về giá cả sản phẩm. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào những lĩnh vực chúng ta quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với những thách thức từ chính hàng hóa, dịch vụ đầu tư của các nước đó. Bộ Công thương, các doanh nghiệp phải có giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của thách thức, nhưng khai thác được tiềm năng, lợi thế, cơ hội do việc mở cửa thị trường.
Trong 8 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trên sân nhà, với sự xuất hiện ở các phân khúc thị trường từ thành phố đến nông thôn, từ hệ thống chợ đầu mối đến các siêu thị, trung tâm thương mại. Nhưng hàng Việt có tiếp tục tỏa sáng trên sân nhà hay không, rất cần những phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt và chủ động ứng phó với những tác động từ các nước khác trên thế giới, tận dụng lợi thế có sẵn để bứt phá vươn lên trong quá trình hội nhập.