Doanh nghiệp lo lắng về triển vọng kinh doanh


Không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải tính cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất... Song, điều họ lo lắng hơn là không thể trả lời cho câu hỏi “khi nào thị trường hồi phục?”, đồng nghĩa kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng trở nên bất định.

Đồng loạt cắt giảm quy mô, lao động

“Cả 9 nhà máy của chúng tôi đều phải cắt giảm lao động, có nhà máy đã cắt giảm 40%”, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin kiêm Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết. Ông cũng xác nhận “hiện không một nhà máy nào trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bảo đảm việc làm cho 100% lao động”.

Việc cắt giảm lao động trong ngành vật liệu xây dựng xảy ra từ tháng 4.2021, đến tháng 6 năm nay thì trở nên trầm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân là do những bất ổn trên thế giới đã tác động trực tiếp tới toàn ngành.

Cụ thể, xi măng - “anh cả” của ngành vật liệu xây dựng với 87 dây chuyền của 56 nhà máy khắp cả nước, tổng năng lực sản xuất lý thuyết đạt 120 triệu tấn/năm, xếp thứ 5 thế giới, công suất có thể đạt 108 triệu tấn/năm. Năm 2020, toàn ngành tiêu thụ 101 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, năm 2022, sản lượng tiêu thụ nội địa sụt giảm nghiêm trọng, còn 62 triệu tấn. Lý do chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu tăng 260%, trong khi than chiếm 55% cơ cấu giá thành sản phẩm xi măng. Tính chung, chi phí sản xuất tăng 30%, giá bán không tăng nhưng cầu không có khi giải ngân đầu tư công chậm, bất động sản “đóng băng”. Nhiều nhà máy xi măng đã phải đóng cửa 1 - 2 dây chuyền.

“Tới đầu năm 2023, khi Nghị định số 101/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu xi măng tăng từ 5 lên 10%, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn”, ông Kỳ dự báo.

Tương tự, sản lượng tiêu thụ sắt thép cũng sụt giảm hơn 59%, tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 11. Cũng do bất động sản “đóng băng”, gạch ốp lát không tiêu thụ được, các nhà máy đã phải giảm sản lượng từ 30% - 50%; hay với kính xây dựng, sản lượng hơn 300 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm, tiêu thụ khoảng 260 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm song 9 tháng qua cũng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng khi tiêu thụ chỉ đạt 120 triệu mét vuông…

Những khó khăn đó khiến các nhà máy vật liệu xây dựng phải cắt giảm tối đa chi phí, công nhân bị giảm giờ làm hoặc phải nghỉ việc. Chung tình cảnh, ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) cho biết, các doanh nghiệp đang khó chồng khó.

Hiện, hầu như các doanh nghiệp trong ngành không có đơn hàng mới từ EU. Muốn có đơn hàng thì phải đổi mới công nghệ, tức cần nguồn tài chính để đầu tư, nhưng lãi suất tín dụng lại quá cao. Bởi lẽ đó, các doanh nghiệp đều phải cắt giảm quy mô hoạt động, giảm số lao động. Có nhà máy 100 công nhân hiện còn 25 người…

“Hãy tự khơi thông trước khi chờ thế giới hồi phục!”

Trong bối cảnh đó, bài toán lao động khiến chủ các doanh nghiệp này hết sức đau đầu để lựa chọn giữ ai, giữ bộ phận nào, chờ khi thị trường hồi phục sẽ có thể bắt nhịp. Thế nhưng, khi nào thị trường hồi phục là câu trả lời rất khó trong thời điểm hiện nay. “Không ai trong ngành vật liệu xây dựng dự đoán được, vì tình hình hết sức bất ổn”, ông Đinh Hồng Kỳ thừa nhận.

Sự bất ổn trong thời gian tới được vị doanh nhân dẫn chứng từ thực tế của chính doanh nghiệp mình. Công ty Secoin xuất khẩu sang 60 nước và vùng lãnh thổ, trong đó xuất sang Nhật Bản từ năm 1999. “Kể cả khi khủng hoảng tài chính mạnh vào giai đoạn 2008 - 2009, xuất khẩu sang Nhật Bản cũng chỉ đi ngang chứ không xuống. Nhưng 10 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên khách hàng Nhật Bản dừng đột ngột tất cả các đơn hàng, chỉ lấy đơn hàng đã lỡ đặt mà không gửi bất cứ đơn mới nào. Chúng tôi hỏi họ, hỏi cả đối tác bên châu Âu, Mỹ rằng dự định khi nào họ sẽ có đơn hàng mới, họ đều trả lời không thể dự đoán được”.

Ở trong nước, “hiện chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thị trường bất động sản nên các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong trạng thái hết sức lo lắng vì không thể dự đoán được tương lai”, đại diện Secoin xác nhận.

Cũng bởi thế, doanh nghiệp đang rất trông đợi các quyết sách của Chính phủ, nhất là khi tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất giải pháp cụ thể, theo ông Đinh Hồng Kỳ, cần đặc biệt ưu tiên gỡ tín dụng cho những doanh nghiệp sản xuất, tạo giá trị cho xã hội và toàn nền kinh tế. “Nếu để tín dụng của ngành bất động sản, tiêu dùng cũng giống như ngành sản xuất sẽ triệt tiêu ngành sản xuất trong nước. Bởi thế, vai trò điều tiết hiện nay của Nhà nước đặc biệt quan trọng!”. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục giữ thuế VAT 8%. Đẩy mạnh đầu tư công cũng sẽ là cứu cánh cho ngành vật liệu xây dựng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Ngô Ngọc Khánh nhấn mạnh, gỡ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay là đòi hỏi cấp thiết. Bởi lẽ, doanh nghiệp chỉ có đơn hàng nếu đổi mới công nghệ, nhưng tiền ở đâu? “Có doanh nghiệp ở Đồng Nai mang đất nhà xưởng đi thế chấp để đầu tư công nghệ cũng không được ngân hàng giải quyết”, ông Khánh thông tin.

Nhìn từ trái phiếu, bất động sản thời gian qua, đại diện doanh nghiệp cho rằng đang đặt ra bài học rất lớn với cơ quan quản lý, đó là phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế từ kiểm soát trái phiếu, huy động vốn, quản lý các nguồn tín dụng.

“Hãy tự khơi thông nền kinh tế trước khi chờ thế giới hồi phục” là thông điệp được ông Đinh Hồng Kỳ gửi gắm tới Quốc hội và Chính phủ. Và đó chắc chắn không chỉ là kỳ vọng của riêng doanh nhân này!

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn