Doanh nghiệp lỗ lên UPCoM: Kỳ vọng đổi vận
Trên UPCoM, danh sách những tổng công ty “gốc” nhà nước có khoản lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đang được nối dài. Sau khi lên sàn, bức tranh tài chính của một số doanh nghiệp dần “sáng” lên.
Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vừa nhận quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM, với mã chứng khoán VVN, thời điểm chào sàn là ngày 17/10 tới. Tổng công ty có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, tương ứng 55 triệu cổ phiếu.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2017, VVN có lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 9 tỷ đồng, nợ phải trả trên 6 nghìn tỷ đồng.Tổng công ty đặt kế hoạch năm 2017 lỗ 113 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến VVN đặt mục tiêu lợi nhuận ở con số âm đến từ việc công ty con do Tổng công ty sở hữu 100% vốn là Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn đang chìm trong thua lỗ, với dự án Xi măng Quang Sơn, khởi động năm 2003, tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế xấp xỉ 1,51 triệu tấn xi măng/năm tại Thái Nguyên. Do điều kiện thị trường không thuận lợi, công ty này kinh doanh bết bát và nợ nần chồng chất, dự kiến năm nay lỗ 199,5 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 179,6 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cổ phần Đạm Hà Bắc (DHB) lên UPCoM cuối tháng 7/2017, có khoản lỗ ở mức nghìn tỷ đồng. DHB là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương được dư luận thường xuyên nhắc tới.
Tại thời điểm lên sàn, theo báo cáo tài chính quý I/2017, DHB lỗ 217,5 tỷ đồng, tương đương 25,67% kế hoạch năm (lỗ 847,4 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.938,7 tỷ đồng, bằng 71,23% vốn điều lệ. Theo số liệu mới nhất, tại thời điểm 30/6/2017, Công ty lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng (6 tháng đầu năm lỗ 313 tỷ đồng).
Đầu tháng 6/2017, Tổng công ty cổ phần Licogi (LIC) đưa cổ phiếu lên UPCoM, khi doanh nghiệp đang lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2016, đơn vị kiểm toán PwC nhấn mạnh, LIC lỗ hợp nhất gần 437 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần âm 126 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn hợp nhất vượt quá tài sản ngắn hạn hợp nhất là 1.050 tỷ đồng, dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của LIC.
6 tháng đầu năm 2017, LIC ghi nhận lỗ ròng của công ty mẹ 64 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 311 tỷ đồng), nâng lỗ lũy kế lên 525 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (DTK), Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) lên UPCoM, với bức tranh tài chính “tồi tệ”. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này có dấu hiệu khởi sắc, giúp bức tranh tài chính được cải thiện đáng kể.
DTK có vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, đưa 680 triệu cổ phiếu lên UPCoM vào cuối năm 2016. Khi đó, Công ty công bố lỗ lũy kế tại thời điểm cuối quý III/2016 là 1.140 tỷ đồng, nợ phải trả 20.617 tỷ đồng, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, DTK có 3 quý lãi liên tiếp. 6 tháng đầu năm 2017, DTK ghi nhận 257,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu về cho cổ đông công ty mẹ, giảm lỗ lũy kế xuống 193,6 tỷ đồng. Vinacomin đang lên kế hoạch bán vốn (gần 35% vốn) tại DTK trong năm nay, khi các con số tài chính của DTK dần tốt lên.
Với TVN, thời điểm cuối năm 2015, Tổng công ty lỗ lũy kế hơn 585 tỷ đồng, sau đó gia nhập UPCoM vào tháng 1/2016. Cùng với thời điểm lên sàn là sự khởi sắc của ngành thép trong năm 2016, TVN ghi nhận mức lãi kỷ lục, gần 835 tỷ đồng, xóa hết lỗ lũy kế và có “của đề dành” sau nhiều năm “còng lưng” bù lỗ. 6 tháng đầu năm nay, TVN đạt 8.939 tỷ đồng doanh thu, 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ.
Với chính sách cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch, thời gian tới, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ đón nhận thêm không ít mã cổ phiếu của những doanh nghiệp đang thua lỗ.
Tâm lý phổ biến là “tốt khoe, xấu che”, doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ không muốn phơi bày khó khăn nội tại ra bên ngoài. Tuy nhiên, lên sàn có thể là một trong những yếu tố/động lực giúp doanh nghiệp “xoay chuyển tình thế”.
Thực tế, kinh doanh thua lỗ, ngập trong nợ nần, doanh nghiệp không dễ huy động vốn qua thị trường chứng khoán, nhưng dưới sự giám sát của thị trường cũng như tuân thủ các yêu cầu về quản trị, công bố thông tin, công khai, minh bạch, lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải nỗ lực hoạt động hiệu quả hơn.
Theo một kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 7/2017, cơ quan này đã chỉ tên hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoặc Nhà nước sở hữu chi phối đang làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Một số doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là Vicem Tam Điệp (57 lần), Công ty TNHH MTV 319.5 (38,5 lần), Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc (26,5 lần), Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung (14,1 lần), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (17,1 lần).
Về kết quả kinh doanh, tại thời điểm 31/12/2015, một số doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng như Jestar Pacific Airlines, Petrolimex Singapore, Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm, Tài chính Bưu điện.