Tỉnh Đắk Nông:
Doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu từ Hiệp định FTA
Nhiều doanh nghiệp Đắk Nông đang tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), để mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, khả năng phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tạo đà cho xuất khẩu
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… để chủ động các phương án phục hồi sản xuất, ký kết các đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song), trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới ở châu Âu.
Doanh nghiệp cũng tận dụng được các ưu đãi về thuế quan, các chính sách về xuất nhập khẩu để phát triển thị trường. Nhờ đó, khả năng phục hồi sản xuất của doanh nghiệp cũng tốt hơn.
Hiện nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp Đắk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao, ổn định nhất là các thị trường: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippin, Nhật Bản, Đức...
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: cà phê đạt 78,4 triệu USD, tăng 3,7%; điều nhân 104,9 triệu USD, tăng 4,5%; tiêu đen 84,6 triệu USD, tăng 27,6%; ván MDF 12,5 triệu USD, tăng 64,5%; alumin 156 triệu USD, tăng 94,5%; đậu phộng sấy 0,6 triệu USD, bằng so với cùng kỳ; các sản phẩm khác 89,7 triệu USD, tăng 8,6%...
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc triển khai các giải pháp của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp đang tiếp tục phát huy hiệu quả.
Trong đó, các hiệp định thương mại tự do FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn, tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường trên thế giới.
Cần hiểu rõ về các FTA
Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn. Trong đó, từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực.
FTA này được cho là tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP lên tới 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh đổi mới công nghệ...
Về phía Đắk Nông, ngày 21/3/2022, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP. Trong đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biển thông tin về Hiệp định để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định.
Nhờ có các Hiệp định FTA, trong những tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh sang thị trường các nước thuộc Hiệp định RCEP đạt khoảng 350 triệu USD.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ngô Tùng Lâm, các Hiệp định FTA, nhất là FTA thế hệ mới, là những "đòn bẩy" cho các hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cũng phải nắm vững các điều kiện của mỗi FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật, thuế quan trọng mỗi hiệp định”, ông Lâm cho biết thêm.
Cũng theo Sở Công thương, nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về hội nhập, trong thời gian tới, ngành sẽ xây dựng phương án triển khai các hoạt động kết nối giao thương, chương trình tập huấn về các FTA cho các doanh nghiệp.
Ngành Công thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc phòng, chống gian lận xuất xứ, ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại cho hàng hóa xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đắk Nông thực hiện được 526,7 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Ðến nay, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục tăng cao, nhất là những sản phẩm như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, sản phẩm alumin...