Doanh nghiệp nào được chọn thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa?
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 27/2017/TT-BCT sửa đổi Thông tư 28/2015/TT-BCT về thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, từ ngày 6/12/2017, đã có một số thay đổi trong tiêu chí chọn doanh nghiệp thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Tổng hợp các tiêu chí quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BCT và Thông tư 27/2017/TT-BCT của Bộ Công thương thì thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) phải đáp ứng đủ các điều kiện: Là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.
Bên cạnh đó, thương nhân được lựa chọn tham gia thí điểm là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên; Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định cấp.
Bên cạnh việc bổ sung, làm rõ các tiêu chí chọn doanh nghiệp thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA, Thông tư 27/2017/TT-BCT của Bộ Công thương cũng bổ sung thêm quy định thương nhân được lựa chọn không được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với những lô hàng do cơ quan hải quan phân loại vào luồng vàng hoặc luồng đỏ khi khai báo xuất khẩu.