Doanh nghiệp ngành điện tử Việt bao giờ thoát cảnh gia công?
Dù ngành điện tử thu về hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, nhưng lợi ích kinh tế trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ.
Vị thế nhỏ bé, đơn hàng bấp bênh
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD.
Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam vào năm 2023 (đạt 57,3 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Không thể phủ nhận về những thành tựu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện, theo báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report). Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là Việt Nam tham gia vào ngành điện tử chủ yếu thông qua các doanh nghiệp FDI. Chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu được điều hành chủ yếu bởi các doanh nghiệp này. Các quy trình ở trong nước chỉ giới hạn ở phạm vi chức năng rất hẹp, chủ yếu là lắp ráp, gia công đơn giản.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA)- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra, thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử đều ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và giá trị gia tăng thấp. “Trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí doanh nghiệp sản xuất nên giá trị gia tăng khá thấp”- bà Hương nêu thực trạng và cho hay, cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp FDI luôn được ưu tiên. Doanh nghiệp Việt khi có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu” nhất, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn”, theo bà Hương, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh, không ổn định, thậm chí bị chèn ép đơn hàng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng cho rằng, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài.
Bên cạnh đó, bối cảnh các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt càng tạo thêm áp lực và gia tăng chi phí với doanh nghiệp Việt, vốn có quy mô và nguồn lực khiêm tốn.
Con đường nào cho doanh nghiệp Việt?
Trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Ðây là cơ hội để ngành điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực vốn, kinh nghiệm quản trị cũng như trình độ sản xuất và công nghệ.
Nhìn nhận vấn đề, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho hay, để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần nỗ lực của doanh nghiệp điện tử trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn nếu các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Góp ý thêm, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải – Thaco bày tỏ, các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức, vượt qua được sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng. Những đối tác lớn ban đầu thường ép giá nhưng nếu được thì họ lại đặt hàng số lượng lớn và hợp tác lâu dài. Họ ép để chúng ta có động lực tiếp tục nghiên cứu cải tiến mình.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để vào được chuỗi sản xuất của các “ông lớn” rõ ràng cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.