Doanh nghiệp nhà nước chủ động xác định tỷ lệ trích lập Quỹ Khoa học công nghệ tối thiểu
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), trong đó có nội dung liên quan đến đến Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.
Số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư đối với hoạt động KHCN.
Tại dự thảo tờ trình, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chính sách về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã đạt được kết quả nhất định. Việc xác định và phê duyệt nhiệm vụ KHCN được thực hiện trên cơ sở dự toán nguồn ngân sách nhà nước được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác; cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần đối với nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, về cơ bản, các tổ chức được giao kinh phí thực hiện đã sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vào mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Công tác thanh quyết toán kinh phí đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Đặc biệt, việc trích lập Quỹ KHCH của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê, giai đoạn 2015-2021, số tiền trích lập Quỹ phát triển KHCH của cả nước đạt trên 23.000 tỷ đồng và sử dụng trên 14.000 tỷ đồng, đã giúp doanh nghiệp chủ động trích lập và sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, một số quy định hiện hành về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động này chưa phù hợp. Việc phân bổ vốn đầu tư còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu. Các quy định khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN chưa đủ hấp dẫn nên số doanh nghiệp trích lập Quỹ chưa nhiều, số dư Quỹ chưa sử dụng lớn.
Việc quản lý nhà nước về Quỹ áp dụng theo chế độ hậu kiểm, trong khi hướng dẫn nội dung chi còn thiếu cụ thể dễ dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian hiệu lực của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về cơ bản không đủ thời gian để doanh nghiệp triển khai, thực hiện mua máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Đến nay, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ Quỹ chi cho hoạt động KHCN chỉ đạt 60%. Cụ thể, có khoảng 220 doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ với tổng số tiền trích lập là khoảng 6.500 tỷ đồng; số Quỹ được sử dụng khoảng 3.200 tỷ đồng, trong đó số Quỹ được sử dụng từ nguồn trích lập trong năm 2022 là khoảng 848 tỷ đồng.
Đảm bảo tính bình đẳng về tỷ lệ trích lập giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác
Từ những hạn chế hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến đến Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định về tỷ lệ trích lập Quỹ của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước được chủ động xác định tỷ lệ trích lập Quỹ tối thiểu, nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm, nhằm đảm bảo tính bình đẳng về quy định tỷ lệ trích lập Quỹ giữa doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, đề xuất này cũng đồng thời góp phần làm giảm các ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp nhà nước.
Về các nội dung chi “mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới. Phương án 2: mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị; đầu tư cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến KHCN và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới... như nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và tại khoản 6 Chỉ thị số 12/CT-TTg.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ phát triển KHCN Quốc gia, bộ, ngành, địa phương có quyền yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ. Cụ thể, nếu doanh nghiệp nhà nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết Quỹ sẽ nộp về Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thay vì nộp về Quỹ phát triển KHCN Quốc gia theo quy định hiện nay.
Sau 5 năm kể từ khi doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển KHCN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố, nếu doanh nghiệp không có yêu cầu sử dụng số kinh phí đã đóng góp thì không được yêu cầu Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển KHCN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố hỗ trợ bằng số đã đóng.