Doanh nghiệp nội nhập cuộc đua M&A bất động sản
Thay vì khối ngoại chiếm lĩnh như những năm trước, cục diện thị trường M&A bất động sản đã đổi chiều sang khối doanh nghiệp nội, dự kiến xu hướng này tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra khó khiểm soát, hoạt động M&A, trong đó nổi bật là M&A bất động sản đã ghi nhận hoạt động mạnh mẽ.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bất động sản là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất trong năm 2021, với khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản của một số doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý.
Các thương vụ điển hình
Cũng theo số liệu của Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, một số thương vụ M&A lớn điển hình trong năm 2021 có thể kể đến như CTCP Vinhomes công bố mua khu đô thị Đại An quy mô 300ha tại tỉnh Hưng Yên; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long hoàn tất mua lại 100% dự án tại Đồng Nai từ Keppel Land, doanh nghiệp này cũng công bố nhận chuyển nhượng dự án Waterfront Đồng Nai.
Bên cạnh đó, các đại gia địa ốc phía Nam như Novaland, Phát Đạt, Danh Khôi cũng công bố các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Trong khi đó, ghi nhận của DĐDN, nhiều thương vụ lớn cũng đang trong quá trình dàn xếp nguồn vốn. Nổi bật nhất có thể kể đến nhóm doanh nghiệp CTCP Hoàng Phú Vương, Osaka Garden và Hoa Phú Thịnh với tổng dòng vốn huy động từ trái phiếu lên tới 15.500 tỷ đồng để thâu tóm dự án KĐT Sài Gòn Bình An.
Hay trường hợp CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát đã phát hành trong năm 2021 là 8.000 tỷ đồng để mua dự án khu đô thị Việt Phát tại Long An.
Đáng chú ý, chia sẻ về kế hoạch cho các năm tiếp theo, các đơn vị như Novaland, An Gia, Phú Long…cũng cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng quỹ đất thông qua việc thực hiện chiến lược M&A tại các địa phương.
Đánh giá chung về điều này, nhiều chuyên gia cho biết, quy mô thị trường M&A bất động sản đã lớn hơn, nguồn lực tài chính, bộ máy của doanh nghiệp trong nước mạnh hơn mà còn giúp chính doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái, tạo lập chuỗi giá trị mới thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập bất động sản, một chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, về phía khối ngoại, hoạt động M&A không còn bùng nổ mạnh mẽ như các năm trước. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 8 tháng đầu năm, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đạt 557 triệu USD, chưa bằng một nửa so với thành tích 1,22 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Mở rộng quy mô, phân khúc
Ở phương diện quy mô, phân khúc, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường đã có sự đa dạng hơn về thể loại phân khúc.
Trong đó, những vùng mới phát triển kinh tế, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương đang ở giai đầu thực hiện xuất hiện hiện tượng M&A.
Ông Đính chia sẻ thêm, những vùng ngoại ô các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc như các tỉnh có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực sự sôi động cũng xuất hiện hoạt động M&A dự án bất động sản.
“M&A bất động sản còn xuất hiện ở những dự án bất động sản công nghiệp, sinh thái. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động này đã xuất hiện ở các phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, cơ sở thương mại, bán lẻ” – ông Đính bổ sung thêm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, cuộc đua thâu tóm bất động sản của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A trong thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động.
Nguyên nhân chính là quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt, mặt khác các chủ đầu tư yếu kém qua các làn sóng dịch khó lòng trụ nổi, buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn.
Mặt khác, dịch bệnh vẫn khiến nhà đầu tư ngoại e ngại khi di chuyển, theo đó, đây là cơ hội tiếp tục thay đổi cục diện thị trường M&A bất động sản của khối nội.