Doanh nghiệp nông nghiệp Thanh Hóa đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến

Linh Nguyễn

Tỉnh Thanh Hóa khuyến nghích doanh nghiệp nông, thủy sản trên địa bàn thực hiện áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh Thanh Hóa trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Điều này nhằm mục đích nâng cao năng suất chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp.

Theo đó, đơn vị đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 124 ha; trong đó, đầu tư xây dựng hơn 20 ha nhà lưới, nhà màng theo công nghệ của Israel, trực tiếp sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao.

Ông Lê Huy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, cho biết, để sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt với năng suất cao, trung tâm đã áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích quy trình canh tác tối ưu, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp. Toàn bộ các thông tin được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ đã giúp trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất, làm tốt dự báo được sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.

Công ty CP Mía đường Lam Sơn không phải là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dung khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất chất lượng. Trong thời gian qua, để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng diện tích sản xuất theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được vùng lúa thâm canh chất lượng cao; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho rau quả an toàn tập trung, sản xuất trong nhà lưới... Ngoài ra, người nuôi tôm đã đầu tư xây dựng ao/bể nuôi trong nhà màng, nhà lưới tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn.

Nhằm từng bước nâng cao nằn suất chất lượng sản phẩm, UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu, trước mắt, trong giai đoạn 2022–2025, toàn tỉnh phấn đấu số cơ sở chăn nuôi, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông - lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm; 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, chứng nhận VietGAP. Tỉnh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương); xây dựng các mô hình chế biến sâu; mở rộng thị trường tiêu thụ...