Doanh nghiệp nước ngoài đua đổ tiền vào Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Khoảng 75% đầu tư vào Trung Quốc hiện đang hướng vào lĩnh vực dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác nhằm phục vụ cho thị trường nội địa.

Các công ty nước ngoài không ngừng rót thêm tiền đầu tư vào Trung Quốc. Nguồn: internet
Các công ty nước ngoài không ngừng rót thêm tiền đầu tư vào Trung Quốc. Nguồn: internet

Các công ty nước ngoài không ngừng rót thêm tiền đầu tư vào Trung Quốc ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các công ty Mỹ tìm kiếm địa điểm khác để đầu tư, sức mua khổng lồ của thị trường 1,4 tỷ người dường như quá khó để các công ty có thể bỏ qua.

Hàng loạt các công ty, từ Tesla cho đến Walmart, đang mở rộng hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau đó phải kể đến các công ty từ Hàn Quốc, Nhật và châu Âu. Điều này giúp bù lại cho việc một số công ty rời đi hoặc đang cân nhắc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng sau khi Mỹ đánh thuế cao khiến cho hàng hóa của họ trở nên ngày một đắt đỏ hơn.

9 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng trên tương đương với tốc độ tăng trưởng đầu tư của năm 2018. 

Chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại viện Brookings, ông David Dollar, nhận xét: “Các công ty đa quốc gia nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc bởi nếu muốn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc thì việc duy trì địa điểm sản xuất ở nước ngoài sẽ không hợp lý xét đến việc một số thỏa thuận thương mại tự do đã bị xóa bỏ, ngoài ra bất kỳ tình trạng gián đoạn nào trong chiến tranh thương mại sẽ chỉ là tạm thời”.

Khoảng 75% đầu tư vào Trung Quốc hiện đang hướng vào lĩnh vực dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác nhằm phục vụ cho thị trường nội địa, theo phân tích của ông Dollar. Chiến tranh thương mại đang khuyến khích doanh nghiệp đảm bảo rằng họ có sự hiện diện tại Trung Quốc.

Điều này trái ngược với những gì mà Tổng thống Trump mong muốn: vào tháng 8/2019, Tổng thống Mỹ đã kêu gọi rằng doanh nghiệp Mỹ cần ngay lập tức tìm kiếm địa điểm thay thế cho Trung Quốc.

Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Gavekal, ông Arthur Kroeber, trong một bài thuyết trình mới đây đã khẳng định rằng: “Nếu bạn đến một số công ty lớn của Mỹ và nói rằng ồ chính trị tại Washington thật phức tạp và chúng ta hãy rời Trung Quốc, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phản đối bởi cái giá phải trả quá lớn”.

Khi phân tích về xu thế đầu tư của nhà đầu tư ngoại vào Trung Quốc, phóng viên Bloomberg có gặp khó khăn trong việc quyết định xem bao nhiêu phần trăm chi tiêu trong đó là đầu tư thực và bao nhiêu trong đó là công ty Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài rồi sau đó chuyển về đại lục. 

Khoảng ¾ FDI Trung Quốc năm 2018 đến từ Hồng Kông, British Virgin Islands và đảo Cayman. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã gọi những địa điểm này là nguồn gốc của FDI ma.

Dù vậy, vẫn có đủ căn cứ thông tin để khẳng định rằng nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc. Tesla đang tính đến việc xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài Mỹ tại Thượng Hải, Tesla nhận được khoản vay 521 triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc.