Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP):
Doanh nghiệp phải chủ động
Chỉ hơn 2 tháng nữa, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với nước ta. Tuy vậy, tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức sáng qua, đại diện Bộ Công thương thừa nhận, có những quy định mà ngay cả cấp Trung ương cũng chưa hiểu rõ. Để tận dụng tối đa cơ hội, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng hành động, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ động.
“Cơ hội lớn nhất là cải cách thể chế”
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Ngô Chung Khanh cho biết, CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với 6 nước phê chuẩn đầu tiên (Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia). Riêng với Việt Nam, do Quốc hội mới phê chuẩn vào ngày 12/11 vừa qua nên Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
Với việc tham gia CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam đã có nhiều cam kết quan trọng như: Giảm gần 100% dòng thuế về 0; việc mua sắm công sẽ phải đấu thầu công khai; không có trợ cấp trá hình cho doanh nghiệp nhà nước; cho phép người lao động được thành lập tổ chức của họ tại cơ sở, không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cam kết chọn - bỏ trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư… Từ những cam kết này, “cơ hội lớn nhất không phải là mở cửa thị trường mà là cải cách thể chế, thay đổi theo tư duy 2.0.
Lâu nay, chúng ta đã có tư duy hành xử theo luật quốc tế khi ban hành chính sách rằng “có phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không?”, nhưng lần này tôi hy vọng là sẽ theo tư duy mới “có phù hợp CPTPP không?”. Đây sẽ là một sức bật rất lớn”, ông Khanh nói.
Cũng theo đại diện Bộ Công thương, CPTPP sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng sức ép để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tăng cơ hội xuất khẩu.
Bên cạnh các cơ hội trên, Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức mà CPTPP mang lại. Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhìn nhận, “thách thức lớn nhất là doanh nghiệp phải nhận thức được các thách thức và cơ hội từ CPTPP. Nếu doanh nghiệp không nhận thức được điều này sẽ không thể biết mình cần phải làm gì”.
Không để doanh nghiệp “tham bát bỏ mâm”
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực. Song, một trong những trở ngại lớn hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ về Hiệp định. “Tôi không nghĩ cả Trung ương và địa phương đều hiểu rõ các quy định trong hiệp định, kể cả các doanh nghiệp”, ông Ngô Chung Khanh thừa nhận.
Tuy vậy, đại diện duy nhất của Bộ Công thương tham gia hội thảo vẫn tỏ ra lạc quan. “Lâu nay, doanh nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng “nước đến chân chưa nhảy, nước đến mũi mới nhảy” và nhảy được. Bằng chứng là có một thời, thị trường tràn ngập bia và xe máy Trung Quốc. Không nhiều người nghĩ rằng có thể đánh bật các mặt hàng này ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng ta đã làm được!”, ông Khanh nói.
Từ đó, dẫn chiếu tới việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức mà CPTPP mang lại, ông Khanh cho rằng, trước hết, Việt Nam cần thực thi hiệu quả các cam kết của CPTPP. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách.
Về phía doanh nghiệp cần tăng cường sự chủ động trong việc tìm hiểu các cam kết, thông qua chủ động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương. “Doanh nghiệp hãy chủ động hỏi chúng tôi”, ông Khanh đề nghị.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Hòa bổ sung, các khâu về kỹ thuật vẫn chưa được doanh nghiệp chú trọng. Ông lấy dẫn chứng từ trường hợp một hãng xúc xích trong nước tìm hướng xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, khi phía Nhật Bản sang kiểm tra thì không thấy công ty này có vùng nguyên liệu bảo đảm. Ông nhấn mạnh, dù doanh nghiệp có máy móc thiết bị tốt mà không chú trọng đến vấn đề kỹ thuật, giám sát nguyên liệu để bảo đảm sản xuất an toàn sẽ không thể thành công trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu từ CPTPP.
Cũng theo ông Hòa, phần nghiên cứu và phát triển thị trường đối với nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài thành công do có bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường để làm sao sản phẩm tốt hơn, hương vị phong phú hơn, bảo đảm thị hiếu của nhiều quốc gia hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tới điều này để cải tiến và phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, theo các đại biểu tham dự hội thảo, trong CPTPP, để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, cơ quan quản lý nên ban hành cuốn cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể những việc được làm và cần tránh. Đồng thời, Nhà nước phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng như logistics để thuận lợi hơn trong xuất khẩu.
Mặt khác, nếu chỉ tự thân mỗi doanh nghiệp hành động sẽ rất khó cạnh tranh và đứng vững. “Mạnh ai nấy làm” là điểm yếu cố hữu của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được. Vì thế, trong CPTPP, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp sản xuất cùng một mặt hàng, toàn ngành hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế phải liên kết lại với nhau.
Đặc biệt, khi thực thi CPTPP, “trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu doanh nghiệp trong nước “tham bát bỏ mâm”, để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng nhằm xuất khẩu sẽ không chỉ gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp đó mà còn tác động tiêu cực tới mặt hàng của quốc gia.
Do đó, Chính phủ cần theo dõi, quản lý chặt chẽ, nếu doanh nghiệp xuất khẩu lớn một cách bất thường các cơ quan quản lý phối hợp với lực lượng hải quan cần kiểm tra ngay, nếu có tiêu cực cần được xử lý thật nghiêm”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.