Doanh nghiệp phấp phỏng đón CPTPP

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội mở rộng thị trường nhưng muốn tận dụng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tham gia hiệp định này, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, nguy cơ nhiều hàng Việt thua ngay trên "sân nhà".

Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quá tải đang là điểm nghẽn cản trở xuất khẩu. Nguồn: Internet
Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quá tải đang là điểm nghẽn cản trở xuất khẩu. Nguồn: Internet

Cập nhật tình hình mới nhất về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết 6 nước phê chuẩn là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia. Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11/2018 và thông báo cho New Zealand vào 15/11/2018, Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Như vậy, bắt đầu từ ngày 14/1/2019, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu (XK) đi các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.

"Sân khách" khắt khe hơn

Trên thực tế, CPTPP được kỳ vọng là động lực đẩy mạnh XK hàng hóa có thế mạnh ở Việt Nam như nông sản, da giày, dệt may… Tuy nhiên, bên cạnh đó là sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Sức ép vượt các hàng rào kỹ thuật, hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe, tốn kém thời gian tiền của, với nguy cơ hàng hóa bị trả về nếu không đáp ứng được từ các thị trường thành viên.

Đánh giá về cơ hội của ngành hàng nông lâm thủy sản, ông Lê Thanh Hòa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đây là thời cơ để nông sản Việt thâm nhập các thị trường "giàu có". Song điều quan ngại nhất là các thị trường như Canada, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe.

Đồng thời, nông sản Việt Nam muốn đẩy mạnh XK cần tập trung vào khâu chế biến, tạo giá trị gia tăng, thay vì XK thô, không có nhãn mác, thương hiệu như hiện nay.

Nói về quá trình chuẩn bị cho CPTPP, ông Hòa cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã chuẩn bị bằng cách đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng dường như chưa đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, một số mặt hàng như hạt điều, tôm vẫn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu – nguy cơ không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.

Cùng chung lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cho hay ngành này sản xuất gần 1,2 tỷ đôi giày dép mỗi năm, trong đó 90% là XK. Khi hội nhập CPTPP, các DN rất phấn khởi nhưng cũng lo lắng vì hiện nay mới chủ động được 50% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Chưa kể, một trong những điểm nghẽn trong XK là vấn đề cơ sở hạ tầng hạn chế, yếu kém dẫn tới chi phí logistics cao hơn nhiều nước. Đây là vấn đề nằm ngoài khả năng của DN nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

"Muốn đẩy mạnh XK, hệ thống cầu cảng, sân bay, đường sá vô cùng quan trọng. Nếu cơ sở hạ tầng không tốt, "miếng bánh" thị trường XK có mở rộng thì chúng ta cũng khó tận dụng được. Hiện, cảng hàng không, cảng biển năng lực đã đầy, có đáp ứng được việc mở rộng sản xuất, XK không?", bà Xuân chia sẻ.

Hơn nữa, một trong những vấn đề thách thức đối với các DN Việt Nam là tính chủ động của các DN nhỏ và vừa rất hạn chế, luôn thụ động theo cách đợi khách hàng tự tìm đến đặt hàng, đưa ra điều kiện. Điều đó dẫn tới DN thiếu đi tầm nhìn về kế hoạch trong tương lai, giá trị thu về thấp.

Phải biết "luật chơi"

DN cũng lo ngại cơ chế chính sách hiện nay với nhiều quy định bất hợp lý có thể cản trở hoạt động XK. Ông Trần Sỹ Dũng, Giám đốc công ty TNHH ECO3D, dẫn chứng trường hợp về thủ tục hải quan, hai lô hàng nhập khẩu hai thời điểm khác nhau sẽ áp dụng hai mức thuế khác nhau. Điều này gây khó khăn cho DN trong việc tính toán chi phí kinh doanh. Vì vậy, DN mong chính sách cần rõ ràng, các thủ tục hành chính đơn giản hóa hơn.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, dẫn lại bài học khi thủy sản Việt Nam bị EU rút "thẻ vàng". Như vậy, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới DN và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về XK hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Đơn cử, hàng thủy sản XK không chỉ đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Nếu không am hiểu, hàng Việt dễ dính đòn "trừng phạt".

Trong khi đó, tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, có nghĩa thị trường nội địa sẽ mở toang cánh cửa cho hàng nước ngoài thâm nhập.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho biết việc tham gia CPTPP cùng với các FTA thế hệ mới sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên "sân nhà"; trong khi bản thân nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động trong việc sử dụng các công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.

PGS,. TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả.

Dẫn lại bài học từ các FTA đã ký kết, ông Nam nhận định DN Việt có nhiều cơ hội để nhảy vọt nhưng thực tế cho thấy chỉ nhảy tại chỗ.

Ông Ngô Chung Khanh cho rằng DN cần phải đào được" mỏ vàng" ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều DN nước ngoài đang nhòm ngó. Thực tế cho thấy xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn cháy hàng ở thị trường trong nước, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi XK.

Vì vậy, cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm đi XK, mà còn phải chú trọng tới đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các DN ngoại ngay trên "sân nhà".

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: "DN Việt Nam bắt đầu học, đã biết chơi. Câu chuyện lần này là chơi thật, hành động thật. Đã là thị trường thì phải cạnh tranh. Để cạnh tranh tốt, DN phải hiểu biết, tuân thủ, chuyên nghiệp và bài bản và kết nối với nhau".

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bài toán không phải chỉ đối với DN Việt mà ngay cả DN FDI là làm thế nào để có lợi thế thu hút khách hàng. DN không nên thụ động làm gia công, mà phải cùng với khách hàng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Điều này sẽ giúp DN gia tăng giá trị XK và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

Các cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng cẩm nang hướng dẫn CPTPP cho từng ngành hàng, mặt hàng để DN biết cái gì phải tránh, cái gì được làm. Tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; từ đó giúp hoạt động của DN trôi chảy hơn. DN cần phải vượt qua chính mình, dẫn dắt được người tiêu dùng để thương hiệu Việt ăn vào trái tim, khối óc của người dùng.

Ông Phạm Mạnh Cổn - Giám đốc công ty Eltex Việt Nam

Việt Nam đã tham gia CPTPP, vì vậy Nhà nước và DN đều không có đường lui. Việc thực thi phụ thuộc vào kết hợp giữa DN và Nhà nước, phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu, ứng dụng thế nào. Với DN, chúng tôi cần có cẩm nang tóm tắt CPTPP, biết rõ cơ hội và thách thức nào. Cũng như muốn ra "biển lớn", các DN Việt cần đoàn kết, kết nối với nhau để tạo thành sức mạnh chung.