Doanh nghiệp quân đội tham gia lao động sản xuất trong tình hình mới
Tham gia lao động sản xuất là một trong những chức năng cơ bản của quân đội ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ trong các thời kỳ cách mạng; đồng thời, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, doanh nghiệp quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, gắn kinh tế với quốc phòng, chú trọng sản xuất trang thiết bị, vũ khí, khí tài quân sự công nghệ cao.
Khẳng định vai trò trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng
Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng các hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Đặc biệt, khi đất nước thống nhất, Quân đội đã tỏ rõ là lực lượng xung kích, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nhất là trên các địa bàn xung yếu, chiến lược.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng quan trọng này. Việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của toàn quân được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng trong giai đoạn mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, Quân đội đã xây dựng hàng chục khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển và hải đảo. Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân, hình thành hàng trăm điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị, “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) không ngừng đổi mới, hội nhập, xung kích thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, nhất là ở địa bàn khó khăn, phức tạp; năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng được nâng cao, ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường nguồn lực cho đất nước. Năm 2023, đã có nhiều DNQĐ năng động, sáng tạo, tiếp tục giữ vững thị trường, mở rộng thị trường đầu tư, khẳng định thương hiệu, không những giữ vững vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân mà còn trở thành đối tác kinh tế có uy tín lớn ở thị trường nước ngoài. Nổi bật là các doanh nghiệp như: Viettel; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng Công ty Đông Bắc; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn; Tổng Công ty 15; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam...
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động rà soát, sửa đổi và báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt điều lệ, quy chế tài chính theo quy định mới của pháp luật. Cùng với sửa đổi, bổ sung điều lệ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng, ban hành hệ thống quy chế quản lý nội bộ, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, điều lệ của công ty vào hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp tiên tiến.
Theo thống kê, tổng doanh thu năm 2023 của các DNQĐ ước đạt 383.460 tỷ đồng, bằng 101, 65% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế của các DNQĐ đạt 77.993 tỷ đồng, bằng 101,05% kế hoạch năm; tổng số nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2023 ước đạt 56.778 tỷ đồng, bằng 101, 83% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt 19,43 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,60% so với kế hoạch. Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội; những diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của doanh của các DNQĐ, các DNQĐ tiếp tục phát huy các kết quả, thành tích năm 2023, phấn đấu và quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu vượt năm 2023 từ 3 đến 5%.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp quốc phòng hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia; làm chủ nhiều công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, hiện đại; nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ quốc phòng và đời sống dân sinh, tạo sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên từng địa bàn và cả nước. Cùng với đó, các đơn vị thường trực trong toàn quân đã nêu cao tinh thần “tự lực, tự cường”, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội, xây dựng tiềm lực hậu cần trên địa bàn đóng quân.
Những thành quả nêu trên đã khẳng định vai trò của Quân đội trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, là thực tiễn sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc huy động Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao…”. Bên cạnh đó, dự báo, những năm tới, bên cạnh xu thế lớn của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ cùng các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng đã, đang tác động tiêu cực đến an ninh và quá trình khôi phục, phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Nhận thức được đầy đủ và sâu sắc các xu thế, diễn biến phức tạp, khó lường đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu..., toàn quân cần tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động lao động sản xuất, kết hợp với sản xuất quốc phòng của DNQĐ trong tình hình mới cần tập trung giải quyết tốt một số công tác trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm và đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Vì vậy, toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong điều kiện mới. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án... tham gia phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng trên từng địa bàn và cả nước, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tuân thủ pháp luật, khả thi. Trong thực hiện chú trọng vận dụng sáng tạo quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, bảo đảm mọi hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng thời, phải lấy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu.
Hai là, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức, thế bố trí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ đội trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ giai đoạn 2021- 2025, các cơ quan chức năng chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng tiếp tục sắp xếp lại và làm tốt công tác quản lý các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch, bố trí các doanh nghiệp bảo đảm tính cân đối tại các vùng, miền, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quyết tâm phòng thủ trên từng địa bàn đã được xác định. Chú trọng xây dựng các tập đoàn công nghiệp quốc phòng có sức cạnh tranh quốc tế, đủ sức sản xuất một số vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, góp phần hiện đại hóa Quân đội. Ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm quốc phòng lưỡng dụng, nâng cao năng lực bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội. Trước mắt, cần duy trì, phát triển các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng phát triển ổn định, bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp giải quyết dứt điểm những tồn đọng để đảm bảo tính lành mạnh về tài chính; thực hiện cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Ba là, coi trọng công tác quản lý hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường trực, đơn vị được giao nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng cần phát huy nguồn lực hiện có để tổ chức lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhất là đầu tư xây dựng các khu tăng gia sản xuất tập trung ở các cấp, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần tăng cường chỉ đạo, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động tập trung phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính đối với các bệnh viện, viện nghiên cứu, nhà khách... theo cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của Quân đội trong thời kỳ mới.
Bốn là, quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Các cơ quan, đơn vị, DNQĐ tiếp tục nghiên cứu rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp; có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm đội ngũ cán bộ tham mưu, chỉ đạo; cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài nhằm bổ sung cho lực lượng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế ở các đơn vị và DNQĐ.
Trước xu hướng phát triển mới, các đơn vị và DNQĐ cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến hành chuyển đổi số phù hợp; chủ động tiếp thu, áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác lãnh đạo, điều hành; các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tài liệu tham khảo:
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II (2021), Nxb Chính trị quốc gia sự thật;
- Nghị quyết 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”;
- Hội nghị tổng kết công tác công nghiệp quốc phòng năm 2023; Hội nghị doanh nghiệp quân đội năm 2024.