Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Phương Vy (Báo Nhân dân)

Sau thời gian hoạt động cầm chừng, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc, chạy nước rút để hoàn thành đơn hàng mùa cuối năm.

Công ty may mặc Dony tăng tốc 200% sau khi nới lỏng giãn cách.
Công ty may mặc Dony tăng tốc 200% sau khi nới lỏng giãn cách.

Bắt đầu hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Công ty TNHH may mặc Dony đã đặt mục tiêu phải tăng cường sản xuất để kịp đơn hàng cho đối tác cũ và thực hiện hợp đồng mới. Tại xưởng may ở quận Tân Bình, không khí làm việc khẩn trương và có hệ thống. Nhân viên từng khâu may, ráp, ủi… nhanh thoăn thoắt hoàn thiện các công đoạn sản phẩm.

Luôn nhắc nhở nhân viên cẩn thận, kiểm tra tỉ mỉ từng công đoạn cho đến khâu thành phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Dony Phạm Quang Anh cho hay: Doanh nghiệp đang tăng tốc để lấy lại đà tăng trưởng trong ba tháng cuối năm. “Trong thời gian giãn cách và thực hiện “3 tại chỗ”, chúng tôi chỉ duy trì năng suất được 20 đến 30% để hoàn thành những đơn hàng cần gấp. Sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18, doanh nghiệp liên tục ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu gồm: một đơn hàng xuất đi châu Âu, một đơn hàng xuất đi Trung Đông, một đơn đi Mỹ và hai đơn hàng xuất đi Nhật Bản với tổng giá trị khoảng hai triệu USD. Do đó, công ty phải hoạt động gần như 200% công suất để vừa chăm sóc khách hàng, vừa tiếp xúc khách hàng mới, vừa giữ nhịp điệu dây chuyền sản xuất.

Hiện, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc; tất cả đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm vào từng đơn hàng, khách hàng để kiểm soát giá trị” - ông Quang Anh chia sẻ.

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền (huyện Bình Chánh) chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica chia sẻ: Sau dịch, doanh nghiệp trên đà hồi phục tốt. Hơn 500 điểm phân phối sản phẩm của Chilica tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu nhập hàng và giới thiệu đến người tiêu dùng.

Công ty đã đầu tư dây chuyền tự động, công suất lớn để sản xuất phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhờ tự động và số hóa ngay từ đầu nên công ty đã giảm được những khó khăn do dịch gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường của Nhật Bản, châu Âu để mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch.

Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp doanh nghiệp có động lực khôi phục sản xuất sau dịch. Vừa mở cửa kinh doanh trở lại, Thế giới Di động cũng ngay lập tức “chào sân” với chuỗi cửa hàng thương hiệu TopZone chuyên bán tất cả các sản phẩm công nghệ. Tổng Giám đốc Thế giới Di động Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ: Quãng thời gian khó khăn vừa qua, chúng tôi có cơ hội đi chậm lại, nghiêm túc nhìn lại những kế hoạch và chiến lược nhằm bảo đảm sự phát triển trong tương lai. TopZone ra đời trong hoàn cảnh đó. 

Trong nỗ lực tăng tốc khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp có thêm nhiều bệ đỡ trợ lực. Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) Lê Bích Loan đánh giá, trong thời gian qua, tuy giới hạn số lượng công nhân sản xuất do phải bảo đảm tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, nhưng các doanh nghiệp đã bố trí làm việc luân phiên theo ca cho từng nhóm công nhân. Nhờ vậy, người lao động duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho nên không bỏ về quê.

Chỉ số ít công nhân do việc riêng, ra ngoài thành phố hiện còn mắc kẹt ở các tỉnh. Chính quyền các địa phương và TP Hồ Chí Minh đang hỗ trợ họ quay trở lại làm việc. Hiện nay, toàn bộ các doanh nghiệp trong khu đã sản xuất trở lại với quy mô hơn 80%. Phần còn lại cũng sẽ được các doanh nghiệp lên kế hoạch phục hồi từ nay đến giữa tháng 11/2021.

“Ngày 5/11 vừa qua, SHTP đã chính thức đưa vào sử dụng khu cách ly tập trung, chăm sóc F0 triệu chứng nhẹ. Cơ sở có quy mô khoảng 200 giường nhưng trước mắt sẽ đưa vào sử dụng khoảng 50% công suất. Cơ sở có ti-vi, máy giặt, khu vực tập luyện thể thao... bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người đến điều trị. Cơ sở không sử dụng ngân sách. Toàn bộ kinh phí xây dựng, trang thiết bị, máy móc do các doanh nghiệp trong khu đóng góp. Mục đích nhằm chăm lo cho công nhân, lao động giúp họ ổn định tâm lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi cũng như duy trì sản xuất”, bà Loan cho biết.

Thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh: Sở đang tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo đánh giá của Sở Công thương, mặc dù còn khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhập khẩu đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế.

Còn đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiếu nguyên liệu và chuỗi cung ứng vẫn chưa thông suốt. Chi phí đầu vào rất cao, dòng tiền đứt gãy, vốn của doanh nghiệp cạn kiệt… cho nên sức phục hồi không thể nhanh được.

Để giúp doanh nghiệp phục hồi sớm trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp kiến nghị TP. Hồ Chí Minh cần tháo gỡ thủ tục hành chính; thành lập tổ công tác đặc biệt để có sự phối hợp với Hiệp hội tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần ban hành một số chính sách hỗ trợ giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp như tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước. Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như vay vốn không cần thế chấp tài sản, kéo dài hơn thời gian nộp thuế…