Doanh nghiệp Thái Lan đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo Nam Đông/nhandan.vn

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế. Các doanh nghiệp này đều bày tỏ tin tưởng, nhờ những nỗ lực và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm vươn tới một tương lai sáng lạng hơn.

Các doanh nghiệp Thái Lan nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam vì những đóng góp trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp Thái Lan nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam vì những đóng góp trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng GDP cao, ổn định, môi trường đầu tư nhiều thuận lợi. Tính đến tháng 6/2022, Thái Lan là nước đứng thứ 9 trong tổng số 140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với hơn 600 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 13 tỷ USD. Cho đến nay, hầu như tất cả các tập đoàn hàng đầu của Thái Lan đều đã đầu tư vào Việt Nam và thu được những kết quả tích cực.

Cũng giống như các nước khác, nền kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều tác động tiêu cực khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã thành công trong việc vừa kiềm chế đại dịch và bảo đảm phát triển kinh tế. Các tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm 2022. Điều này đã được các doanh nghiệp Thái Lan đánh giá rất cao.

Ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc điều hành Tập đoàn Berli Jucker.
Ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc điều hành Tập đoàn Berli Jucker.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Aswin Techajareonvikul nhận xét: “Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế ở Đông Nam Á, thậm chí là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành công vượt qua đại dịch. Đó là kết quả của những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích và đưa ra những chính sách nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam đã đạt trở lại mức trước đại dịch”.

Ông hồ hởi cho biết, các hạng mục đầu tư của BJC tại Việt Nam đều đang có sự tiến triển rất tốt và bày tỏ sự cảm kích của mình đối với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Tập đoàn BJC bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với nhiều hạng mục như nhà máy thủy tinh, giấy vệ sinh, lon nước giải khát… Năm 2016, BJC mua lại Công ty TNHH Metro Cash & Carry (Việt Nam) và thay đổi thương hiệu Metro Cash & Carry Việt Nam thành MM Mega Market.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty Amata Việt Nam.
Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty Amata Việt Nam.

Trong khi đó, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty Amata Việt Nam cho rằng, mặc dù hiện nay đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và chưa trở thành một là bệnh dịch lưu hành nhưng Việt Nam vẫn đạt được sự phát triển rất tốt.

Bà nhấn mạnh: “Trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam là một trong những điểm sáng ở khu vực châu Á về kinh tế. Chỉ có Việt Nam là nước đạt được phát triển kinh tế dương”.

Bà khẳng định, đó chính là một cơ sở hết sức vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Bà cũng cho rằng, GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt hơn 7% và FDI cũng sẽ tăng cao hơn.

Từ những kinh nghiệm khi triển khai các dự án về khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, bà Somhatai cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên cải thiện hơn nữa luật pháp và quy định về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các tỉnh nghèo. Theo bà Somhatai, đây là điều rất quan trọng cho cả nền kinh tế Việt Nam lẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Bà nói: “Cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng không chỉ ở miền nam, miền bắc mà cả ở miền trung, đặc biệt là tại các tỉnh nghèo, từ đó nâng cao đời sống của người dân trên khắp Việt Nam. Đây là đề nghị chân thành từ trái tim tôi, người yêu quý Việt Nam như quê hương mình”.

Với những thành tựu trong việc kiềm chế đại dịch và hồi phục kinh tế, các doanh nghiệp Thái Lan đều có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Theo đánh giá của các doanh nghiệp Thái, nhờ các nỗ lực của Đảng và Nhà nước với những chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư cũng như bảo đảm nâng cao mức sống của người dân, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh và ổn định.

Ông Aswin chia sẻ: “Tôi cho rằng, nhờ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, cùng những chính sách khác nhau nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh. Chúng tôi luôn cảm thấy kinh ngạc về điều này. Và đó chính là lý do tại sao các công ty Thái Lan cũng như các công ty Đông Nam Á rất mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam”.

Ông Harald Link - Chủ tịch B.Grimm Power.
Ông Harald Link - Chủ tịch B.Grimm Power.

Còn đối với B.Grimm Power, một tập đoàn năng lượng đã đầu tư vào Việt Nam từ 22 năm qua, Chính phủ và người dân Việt Nam luôn có tinh thần vươn tới phía trước nhằm mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Và đó chính là lý do khiến B.Grimm Power nói riêng và các doanh nghiệp Thái Lan nói chung muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Harald Link - Chủ tịch B.Grimm Power chia sẻ: “Tại các địa phương nơi chúng tôi đầu tư, chính quyền và người dân rất thân thiện với chúng tôi. Họ luôn cố gắng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Và với đất nước tươi đẹp, một Chính phủ luôn nỗ lực hướng tới với những người dân sáng tạo, khéo léo và tràn đầy năng lượng, tôi có thể mường tượng tới triển vọng xán lạn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”.

Ông Harald Link cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói: “Lời khuyên duy nhất của tôi là Chính phủ Việt Nam hãy tiếp tục làm tốt những gì mà họ đang làm từ trước đến nay. Và tôi tin tưởng rằng, Việt Nam nói chung và người dân Việt Nam nói riêng sẽ trở nên ngày càng thịnh vượng hơn”.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 đến nay, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực với nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN với kim ngạch thương mại song phương trong 6 tháng đầu năm 2022 gần 9 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Việt Nam và Thái Lan hướng tới đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 25 tỷ USD vào năm 2025.