Doanh nghiệp thép "tính kế" vượt khó

Tĩnh Đồng

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh gia tăng, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp ngành thép vượt khó.

Xuất khẩu thép thành phẩm tháng 1/2025 chỉ đạt 476.045 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Internet
Xuất khẩu thép thành phẩm tháng 1/2025 chỉ đạt 476.045 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép thành phẩm tháng 1/2025 chỉ đạt 476.045 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu bán hàng giảm từ 27% của cả năm 2024 xuống 19%.

Nhóm hàng có mức giảm mạnh nhất là thép cán nóng (HRC), chỉ xuất khẩu 39.381 tấn, giảm 87,8%; tôn mạ giảm 31,7%; thép xây dựng giảm 11,4%. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu thép HRC suy giảm do sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.

Bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, nhất là nguy cơ đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại đang đặt ra yêu cầu đối với ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đổi mới công nghệ, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng phân tích, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Thời gian qua, một trong những doanh nghiệp thép thành công nâng cao năng lực cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng điển hình có thể kể đến Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức (Vĩnh Phúc).

Công ty đã tối ưu hóa năng lực sáng tạo, cải tiến công nghệ; 38 dây chuyền sản xuất của Thép Việt Đức được đầu tư đồng bộ mới 100%, hiện đại và tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay…

Công ty cũng kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động quản lý và sản xuất bằng công cụ 5S của Nhật Bản. Cùng với xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO 9001:2015, các sản phẩm thép Mỹ, chữ nhật, thép xây dựng… đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Anh quốc, BS1387 – 1985; Hàn Quốc KSD3586-1986.

Có thể khẳng định, việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Đức trên thị trường.

Tương tự Thép Việt Đức, thời gian qua Công ty Tân Á Đại Thành (Hà Nội) cũng rất chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng. Doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Hà Nam theo định dạng SMART FACTORY với dây chuyền tự động hóa chính xác đạt tiêu chuẩn 4.0, cùng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Italy và các nước G7, công suất lên tới hơn 2 triệu sản phẩm/năm.

Tân Á Đại Thành là một trong số ít các đơn vị sớm áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất. Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu lợi nhuận. Thành công của Tân Á Đại Thành là minh chứng điển hình.

Nhờ nỗ lực áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại khép kín để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giờ đây, Tân Á Đại Thành đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng kim khí gia dụng và thiết bị ngành nước tại Việt Nam.