Doanh nghiệp thép Việt ảnh hưởng gì khi Hoa Kỳ áp thuế chống lẩn tránh 456%?

Theo Thu Hà/congthuong.vn

Dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra mức thuế chống lẩn tránh rất lớn với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thép trong nước có thể sẽ không bị tác động quá lớn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thép chủ động nguồn nguyên liệu, phối hợp tốt với DOC sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ quyết định áp thuế của Hoa Kỳ
Các doanh nghiệp xuất khẩu thép chủ động nguồn nguyên liệu, phối hợp tốt với DOC sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ quyết định áp thuế của Hoa Kỳ

Doanh nghiệp phối hợp điều tra không bị ảnh hưởng

Thực tế, năm 2016, DOC bắt đầu điều tra thuế lẩn tránh cho mặt hàng CORE (bao gồm tôn lạnh/tôn mạ kẽm/tôn mạ màu - gọi chung là thép chống ăn mòn) nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu bị cáo buộc sử dụng nguyên liệu thép cán nóng (HRC) và thép cán nguội (CRC) từ Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống phá giá, tất cả các nhà máy Việt Nam đều được áp dụng cơ chế tự khai báo nguyên liệu về nguồn nguyên liệu mình sử dụng (miễn là nằm ngoài nguyên liệu Trung Quốc) nên vẫn có thể thực hiện xuất khẩu bình thường. Trong giai đoạn này, các nhà máy Việt Nam đều hợp tác trả lời.

Trong vụ việc tháng 12/2019, DOC tiếp tục cho rằng các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Hoa Kỳ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.

Với kết luận này, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam với cơ chế: Những lô hàng thép CR và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456% (mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc); Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan - Trung Quốc (10,34% với thép CRS).

Nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 03 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế)

Kết luận cuối cùng này tương tự với kết luận sơ bộ hồi tháng 7/2019.

Trước đó, trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen - đơn vị đang chiếm gần 37% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành năm 2018 - cho biết: Quyết định này không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen. Thực tế là trong các năm qua, Hoa Sen đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp để đáp ứng tất cả các yêu cầu của DOC và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào Hoa Kỳ. Đơn vị này cũng chủ động hợp tác tốt với DOC trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại tập đoàn, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC một cách minh bạch. Chính vì thế, Hoa sen không bị áp thuế trong vụ việc này.

Tương tự, qua thẩm tra của DOC, Công ty CP Thép Nam Kim đã chứng minh được việc tự chủ về nguồn nguyên liệu nên được DOC gia hạn thẩm tra. Ðiều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm của công ty xuất khẩu sang không bị áp thuế. Bên cạnh đó, hiện sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim sang thị trường Hoa Kỳ chiếm dưới 5% tổng sản lượng bán hàng của công ty.

Chính vì thế, bà Trần Ngọc Diệu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) khẳng định, quyết định trên không ảnh hưởng quá lớn đến tổng thể ngành thép khi thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng không lớn. “Hiện nay, Nam Kim đã chủ động nguồn cung nguyên liệu HRC với 60% từ Formosa và 15% từ Nippon Steel nên đáp ứng các điều kiện xuất xứ khi xuất khẩu. Năm 2019, Nam Kim vẫn sẽ giữ vững thị trường Hoa Kỳ và đã có những hợp đồng xuất khẩu cho quý I/2020” – bà Diệu cho biết.

Chủ động chuyển đổi để phòng tránh trong tương lai

Thông tin từ bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương - cho biết: Hiện nay theo danh sách của Hoa Kỳ, chỉ có 6 – 10 doanh nghiệp trong hơn 30 doanh nghiệp bị điều tra, sẽ ko bị áp mức thuế cao theo kết luận vụ việc. Điều này nghĩa là các doanh nghiệp còn lại sẽ có thể bị áp mức thuế nếu không bổ sung hồ sơ chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất của mình.

Bà Giang cũng cho biết, trên thực tế từ thép cán nóng sang thép cán nguội, thép mạ thì cần một công đoạn sản xuất đòi hỏi quy trình rất phức tạp. Trong đó, giá trị giá tăng có thể tới hơn 30%. Tuy nhiên tỷ lệ này còn phụ thuộc vào ý kiến đánh giá từ phía Hoa Kỳ trong thời gian tới đối với từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành đều phải có điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Thời điểm hiện tại, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có thư gửi DOC để các doanh nghiệp không nhận được bảng câu hỏi điều tra đợt trước có thể bổ sung. Việc các doanh nghiệp còn lại có bị áp thuế hay không còn chờ vào quyết định thẩm tra cụ thể từ phía Hoa Kỳ, xem xét mức độ chuyển đổi của sản phẩm của từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có khuyến cáo tới các đơn vị sản xuất sớm tìm hướng cung cấp nguồn nguyên liệu mới như Nga, Braxin… hoặc ngay chính trong nước. Song song với đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tiếp cận nắm bắt nguồn thông tin chính sách từ các nước nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp đối tác. Bởi các doanh nghiệp tại chính nước sở tại mới có thể cập nhật thông tin chính xác nhất. Từ đó trao đổi thông tin với Bộ, Hiệp hội và các đơn vị liên quan để có phương án xử lý phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách hợp lý nhất.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Các doanh nghiệp trong ngành đã lường trước những quyết định từ phía DOC nên đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu vừa tăng sức cạnh tranh vừa giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường.

Cũng theo VSA, hiện nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu). Năm 2019, Formosa ước sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn và đây chính là nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp thép Việt Nam.