Doanh nghiệp thủy sản có nhiều kiến nghị gỡ vướng trong sản xuất, kinh doanh
Một số vướng mắc liên quan đến quy định kiểm dịch, thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá... ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản đã được các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASSEP), phúc đáp công văn của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả hoạt động Quý II và phương hướng nhiệm vụ quý III, IV/2024, VASEP đã có công văn gửi Hội đồng Tư vấn về nội dung này.
Liên quan đến quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu, VASEP cho biết, hiện chưa có quy định/hướng dẫn về “chuyển mục đích sử dụng” như trên tại các thông tư về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để người dân và doanh nghiệp thực hiện. Điều này đang tạo ra một khoảng trống trong quy định đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
Do đó, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản, VASEP kiến nghị NN&PTNT xem xét, bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đối với vướng mắc về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá. Hiện nay, việc cấp S/C tại các cảng cá sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2-3 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Trước thực trạng bất cập này, VASEP đã báo cáo kiến nghị với NN&PTNT, theo đó, kiến nghị Bộ xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận Nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá.
VASEP nhấn mạnh, đây là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình kiểm soát IUU.
Ngoài ra, về vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu vào châu Âu. Theo VASEP, châu Âu và New Zealand có thỏa thuận song phương về các biện pháp vệ sinh áp dụng đối với trao đổi thương mại động vật sống và sản phẩm động vật, được quy định tại Quyết định số 97/132/EC (ký ngày 17/12/1996) và một số quyết định bổ sung, hướng dẫn bao gồm cả chi tiết tại quyết định EU 2015/1084 (ký ngày 18/2/2015).
Vì vậy, các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ New Zealand sang EU vẫn được diễn ra bình thường và thực hiện theo Quyết định số 97/132/EC với mẫu giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) kèm lô hàng được thống nhất giữa EU và New Zealand. Từ thực tế này, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị NN&PTNT xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có Thỏa thuận với EU.
Đồng thời, NN&PTNT xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ có hiệu lực...