Doanh nghiệp tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) mong muốn đầu tư sang Việt Nam

PV.

(Tài chính) Sáng 25/7/2014, tại Hà Nội, GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi tiếp Đoàn cấp cao tỉnh Kanagawa của Nhật Bản do ông Kuroiwa Yuji, Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa dẫn đầu đoàn công tác đến chào xã giao.

GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tiếp ông Kuroiwa Yuji, Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Nguồn: FinancePlus.vn
GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tiếp ông Kuroiwa Yuji, Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Nguồn: FinancePlus.vn

Tại buổi tiếp, ông Kuroiwa Yuji tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa cho biết hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng tại tỉnh Kanagawa mong muốn đầu tư sang Việt Nam, để đẩy nhanh việc này Kanagawa cũng đang tính đến bài toán muốn ký hợp đồng thuê lại các nhà máy ở Việt Nam sau đó đưa các doanh nghiệp của tỉnh Kanagawa sang. 

Kanagawa là tỉnh lớn thứ hai của Nhật Bản với dân số 9,8 triệu dân, lực lượng lao động: 4,4 triệu người, GDP đạt trên 300 tỷ USD. Toàn bộ khu vực tỉnh Kanagawa hiện nay được công nhận là đặc khu chiến lược quốc gia, Ông Kuroiwa Yuji chia sẻ, để Kanagawa có bước phát triển mạnh như vậy là nhờ áp dụng học thuyết Abenomic, học thuyết đã không chỉ thúc đẩy kinh tế của Nhật Bản nói chung mà còn là động lực quan trọng để tỉnh Kanagawa trở thành đặc khu chiến lược quốc gia, có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ. Ông Kuroiwa Yuji mong muốn và đề nghị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giúp đỡ đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế giữa tỉnh Kanagawa của Nhật Bản và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là hợp tác kinh tế.  

Phát biểu tại buổi tiếp, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã bày tỏ sự vui mừng, chào đón đoàn công tác của tỉnh Kanagawa đến thăm Ban Kinh tế Trung ương và thực sự rất ấn tượng với các thông tin mà tỉnh trưởng Kanagawa chia sẻ. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam –Nhật Bản tốt đẹp như hiện nay, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam đã tạo điều kiện cho mối quan hệ của hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hoạt động trao đổi giữa Việt Nam với Nhật Bản giờ đây không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở mức các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa các tỉnh của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, với sự phát triển ngày càng nhanh của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng. Trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển xanh, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, đây là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong tỉnh trưởng tích cực vận động các doanh nghiệp Nhật Bản, của tỉnh Kanagawa tham gia phát triển hạ tầng y tế ở Việt Nam, tạo điều kiện xã hội hóa giáo dục, y tế và sự nghiệp công. Hiện nay, ở Việt Nam các đơn vị sự nghiệp công hoạt động như một doanh nghiệp, đã mang lại kết quả rất khả quan và Việt Nam luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sự nghiệp công liên kết, thu hút đầu tư nước ngoài.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương hoan nghênh những phương hướng, đề xuất mà tỉnh Kanagawa triển khai ở Việt Nam. Theo GS.TS Vương Đình Huệ, tới đây Nhật Bản và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa những kỹ sư đã tốt nghiệp ở Việt Nam sang tu nghiệp ở Nhật Bản, tham gia giải quyết lực lượng lao động thiếu hụt của Nhật Bản, vừa tạo điều kiện cho tu nghiệp sinh tham gia các hoạt động quản lý để khi họ trở về sẽ là những tác nhân kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

GS.TS Vương Đình Huệ cũng cho biết, hiện nay Ban Kinh tế Trung ương được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ chủ trì đề xuất các biện pháp cải cách thể chế ở Việt Nam nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là một trong những nội dung quan trọng chuẩn bị cho Đại hội Đảng của Việt Nam đầu năm 2016. Do đó Ban Kinh tế Trung ương mong muốn nghiên cứu được những kinh nghiệm về thể chế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế của Nhật Bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Dự kiến đầu tháng 8 tới đây, đoàn đại biểu cấp cao Ban Kinh tế Trung ương sẽ đi nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệp tại Nhật Bản. Chuyến đi này nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước, trong đó có vấn đề tạo thể chế để  thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tham gia vào chuỗi giá trị không chỉ cho xuất khẩu mà còn phục vụ cho nhu cầu nội địa ngày càng tăng của hơn 100 triệu người dân./.