Doanh nghiệp toàn cầu chờ đón khung quy định về AI


Việc xây dưng khung quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp thúc đẩy, chứ không ngăn cản sự tăng trưởng của lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực AI đang chờ đón một khung pháp lý hoàn chỉnh
Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực AI đang chờ đón một khung pháp lý hoàn chỉnh

Khi công bố bản cập nhật cho chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia vào đầu tháng này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết nước này tin tưởng vào tiềm năng phát triển của AI và có kế hoạch tăng gấp ba số nhân tài AI lên 15.000 người.

Hầu hết các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương đều có chung quan điểm tích cực này. Theo khảo sát Outlook Pulse mới nhất của CEO EY, 70% CEO trong khu vực coi AI là động lực thúc đẩy hiệu quả và đổi mới.

Nhưng chính phủ Singapore cũng thừa nhận, AI cũng đi kèm với những rủi ro về kỹ thuật, xã hội, đạo đức và an ninh. Vì vậy, khi các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy đầu tư vào AI, họ đang trông chờ vào việc các nhà hoạch định chính sách sẽ thiết lập các khung pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này.

Hiện nay, một số chính phủ đã và đang tham khảo các nguyên tắc tự nguyện cấp cao, chẳng hạn như Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đang được tiến hành xây dựng để ban hành.

Giới quan sát nhận định, EU đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện nhất về AI, khi tập trung vào việc sử dụng và dựa trên rủi ro. Gần đây, EU đã đạt được sự đồng thuận về Đạo luật AI, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2026, bao gồm nhiều biện pháp sâu rộng để bảo vệ công dân. Nó cũng bao gồm các tác nhân trong chuỗi giá trị AI, bao gồm các nhà phát triển, nhà triển khai, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp sử dụng các hệ thống AI này.

Tại Mỹ, sắc lệnh gần đây của Tổng thống Joe Biden đã tạo tiền đề cho việc thiết lập các tiêu chuẩn liên bang mới về an toàn, bảo mật và độ tin cậy của AI.

Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI kéo dài hai ngày ở Anh quy tụ đại diện chính phủ và doanh nghiệp từ 28 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Liên minh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố mang tính bước ngoặt khi cam kết thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo AI được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm”.

Phần lớn hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các rủi ro về dài hạn, bao gồm cả mối đe dọa hiện hữu của AI đối với nhân loại. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp đầu tư vào AI cho rằng những rủi ro trong ngắn hạn, từ xâm phạm quyền riêng tư và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đến truyền bá thông tin sai lệch và duy trì thành kiến xã hội là những mối lo ngại chính đáng và cần được quan tâm hơn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ cho rằng cần thiết có một khung pháp lý rõ ràng về AI. Mặc dù theo truyền thống, họ lo ngại về việc các quy định sẽ kìm hãm sự đổi mới, nhưng họ hiểu rằng việc xoa dịu những lo lắng về những rủi ro AI có thể gây ra là rất quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực này.

Khu vực tư nhân tại Mỹ và châu Âu có thể chưa đồng thuận với một số chi tiết cụ thể trong các quy định do các nhà hoạch định chính sách ban hành nhưng Alphabet, Microsoft và nhà phát triển OpenAI của ChatGPT đều hỗ trợ quy định về AI dưới một số hình thức.

Trong khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vốn có vẻ ủng hộ cách tiếp cận tương đối tự do, hy vọng sẽ hoàn thiện Hướng dẫn ASEAN tự nguyện về Quản trị và Đạo đức AI vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các CEO của Đông Nam Á đã nhận thức rõ về nhược điểm của AI, đồng thời thừa nhận rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết các rủi ro từ các cuộc tấn công mạng đến thông tin sai lệch và giả mạo.

Ông Patrick Winter, chuyên gia quản lý khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của EY nhận định, những doanh nghiệp thành công sẽ là những doanh nghiệp sớm kết hợp kỹ thuật dữ liệu và AI vào các hoạt động.

"Các doanh nghiệp đầu tư vào AI nhận thấy việc quản lý các vấn đề liên quan đến tính chính xác, đạo đức và quyền riêng tư sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong hoạt động quản trị của họ. Nhưng rất ít người thực hiện các bước theo hướng đó: chỉ khoảng 1/3 số tổ chức trên toàn cầu có chiến lược quản trị toàn doanh nghiệp cho AI", chuyên gia này lưu ý.

Quản trị AI đáng tin cậy và hiệu quả sẽ trở thành động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng và mang lại lợi thế cạnh tranh. Việc xây dựng các quy định là cần thiết và có thể nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào AI.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn