Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại: Khảo sát tại Agribank Long Xuyên

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại góp phần quan trọng trong việc cung ứng nguồn lực tài chính cho các pháp nhân, thể nhân, giúp hệ tuần hoàn của nền kinh tế hoạt động một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng luôn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Hoạt động cho vay tại các ngân hàng thương mại

Với đặc thù của một lĩnh vực kinh doanh đầy nhạy cảm, hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng của các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Về lý thuyết, cho vay là quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, các tổ chức và cá nhân được thực hiện dưới hình thức NHTM đứng ra huy động vốn bằng tiền và cho vay đối với các đối tượng nói trên. Cho vay tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng, trong đó NHTM thoả thuận để khách hàng là cá nhân hay hộ gia đình sử dụng một khoản tiền với mục đích tiêu dùng, trên nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi trong một thời gian nhất định (Nguyễn Đăng Dờn, 2014).

Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại: Khảo sát tại Agribank Long Xuyên  - Ảnh 1

Quan hệ tín dụng trong hoạt động của ngân hàng thể hiện như sau: Người cho vay chuyển giao cho người đi vay một lượng giá trị nhất định, giá trị này có thể dưới hình thái tiền tệ hay hiện vật như hàng hóa, nhà xưởng. Người đi vay chỉ được sử dụng tạm thời lượng giá trị chuyển giao trong một thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian thỏa thuận người đi vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho người cho vay một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Trong khi đó, phân loại tín tín dụng ngân hàng và quy trình cho vay tiêu dùng lại được thực hiện như sau:

Phân loại tín dụng ngân hàng

Về mặt lý thuyết, tín dụng ngân hàng có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:

- Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay: Cho vay tiêu dùng là khoản vay đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các cá nhân, hộ gia đình. Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay bất động sản.

- Căn cứ vào phương thức cho vay: Cho vay từng lần là phương pháp cho vay mà mỗi lần vay khách hàng và ngân hàng đều phải làm các thủ tục cần thiết và ký hợp đồng tín dụng.

- Căn cứ biên bản đảm bảo khoản vay: Cho vay khách hàng cá nhân chủ yếu bao gồm cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay không có tài sản đảm bảo.

- Căn cứ vào thời hạn: Cho vay ngắn hạn (có thời hạn cho vay tối đa 01 năm), Cho vay trung hạn (có thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm), Cho vay dài hạn (có thời hạn cho vay trên 05 năm). (Sử Đình Thành, Vũ Thị Minh Hằng, 2008).

Về quy trình cho vay tiêu dùng

Thực tiễn hoạt động cho vay nói chung và tín dụng tiêu dùng của các NHTM cho thấy, cho vay tiêu dùng của NHTM thường được thực hiện theo quy trình sau:

Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại: Khảo sát tại Agribank Long Xuyên  - Ảnh 2

Một là, tiếp nhận hồ sơ vay tiêu dùng cá nhân của khách hàng: Hồ sơ vay tiêu dùng bao gồm hồ sơ khách hàng và hồ sơ khoản vay. Hồ sơ khách hàng cần chuẩn bị thường bao gồm hồ sơ cá nhân, hồ sơ chứng minh nơi ở và hồ sơ chứng minh thu nhập. Hồ sơ khoản vay được quy định khác nhau tùy từng ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phổ biến nhất là đơn đề nghị vay vốn.

Hai là, thẩm định điều kiện vay tiêu dùng cá nhân: Sau khi cung cấp đủ hồ sơ vay vốn, ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ và điều kiện vay tiêu dùng cá nhân.

Ba là, kiểm tra hồ sơ và mục đích vay vốn: Bộ phận thẩm định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ nhập hồ sơ của khách hàng lên hệ thống và kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của hồ sơ. Tại bước này, bộ phận thẩm định cũng sẽ kiểm tra hồ sơ của khách hàng có phù hợp với mục đích vay vốn và sản phẩm vay tiêu dùng cá nhân hay không. Nếu có thiếu sót, hồ sơ sẽ được trả về cho khách hàng để bổ sung hoặc sửa đổi (Nguyễn Đăng Dờn, 2014).

Khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại Agribank Long Xuyên

Để nghiên cứu về hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM nói chung và hệ thống Agribank nói riêng, tác giả khảo sát số liệu từ các báo cáo tài chính của Agribank Long Xuyên trong giai đoạn 2017-2019. Bảng 1 cho thấy, số liệu hoạt động cho vay tiêu dùng của Ngân hàng này thay đổi theo chiều hướng tăng trong giai đoạn 2017-2019. Cụ thể: Năm 2017, doanh số cho vay tiêu dùng 134.704 triệu đồng thì năm 2019 tăng lên là 413.134 triệu đồng. Số liệu tăng qua các năm đã thể hiện tính thuận lợi của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành tốt của Ngân hàng cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội địa phương.

Trong giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Agribank Long Xuyên phát triển. Cụ thể: Năm 2017, nợ xấu gồm 4.343 triệu đồng thì đến năm 2019 chỉ còn 1.840 triệu đồng, giảm 786 triệu đồng (29,93%) so với năm 2018. Số liệu nợ xấu giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2017-2019 đã thể hiện tính thuận lợi của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành tốt của Agribank Long Xuyên cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội địa phương.

Tương tự, doanh số thu nợ của Agribank Long Xuyên giai đoạn 2017-2019 cũng có xu hướng tăng. Cụ thể: Năm 2017, doanh số thu nợ tiêu dùng 132.436 triệu đồng thì đến năm 2019 là 374.465 triệu đồng, tăng 230.310 triệu đồng. Tương tự, dư nợ cho vay tiêu dùng của Agribank Long Xuyên giai đoạn 2017-2019 cũng tăng lên theo các năm. Cụ thể: Năm 2017, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 173.758 triệu đồng; năm 2018 đạt 175.790 triệu đồng, tăng 2.032 triệu đồng (1,17%) so với năm 2017; đến năm 2019 đạt 179.112 triệu đồng, tăng 3.322 triệu đồng (1,89%) so với năm 2018. Doanh số thu nợ và dư nợ cho vay tăng qua các năm đã thể hiện tính thuận lợi của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành tốt của Agribank Long Xuyên cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội địa phương. Khách hàng làm ăn có hiệu quả, nguồn thu nhập dần ổn định cao hơn và chủ động trả nợ cho ngân hàng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Agribank Long Xuyên phát triển. Cụ thể: Năm 2017, nợ xấu gồm 4.343 triệu đồng thì đến năm 2019 chỉ còn 1.840 triệu đồng, giảm 786 triệu đồng (29,93%) so với năm 2018. Số liệu nợ xấu giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2017-2019 đã thể hiện tính thuận lợi của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành tốt của Agribank Long Xuyên cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, xem xét các chỉ số tài chính có thể thấy, số dư nợ/vốn huy động trong giai đoạn 2017-2019 có xu hướng tăng (34,46%; 34,75%; 35,30%) do nhu cầu cá nhân và hộ gia đình có nhu cầu tăng đi du lịch, mua sắm, sửa chữa, tiêu dùng. Trong khi đó, hệ số thu nợ/doanh số cho vay tín dụng giai đoạn 2017-2019 mặc dù đã có sự tăng, giảm (98,32%; 98,61%; 90,64%) do tình hình kinh tế suy thoái trong những năm qua tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của người dân, DN; mặt khác do các món nợ xấu, nợ tồn đọng chuyển sang cơ quan chức năng, pháp luật, khách hàng mất khả năng trả nợ, chờ bán đấu giá tài sản nên thời gian thu hồi nợ kéo dài. Tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng/dư nợ cho vay tín dụng giai đoạn 2017-2019 đã giảm, thể hiện hoạt động cho vay tiêu dùng, kinh doanh của Agribank Long Xuyên đã hiệu quả hơn (2,50%; 1,49%; 1,03%)...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng. Cụ thể, tình hình tăng trưởng tín dụng của Agribank Long Xuyên không ổn định qua những tháng, dẫn đến dư nợ bình quân thấp, lãi suất huy động vốn có khi còn thấp, nên việc cạnh tranh về lãi suất trong công tác huy động vốn chưa có nhiều thuận lợi. Hoạt động tín dụng gặp nhiều rủi ro làm cho hoạt động tín dụng ngày càng thận trọng hơn. Quá trình quản lý khoản vay còn chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong quá trình cơ cấu nợ cũng như xử lý nợ. Việc quản lý điều hành, chấp hành nguyên tắc chế độ thiếu trách nhiệm nên phát sinh sai phạm trong hoạt động cho vay. Biện pháp kiểm tra, kết quả xử lý sau kiểm tra chưa phát huy tác dụng...

Đề xuất giải pháp

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng tại hệ thống NHTM nói chung và tại hệ thống Agribank, trong đó có Agribank Long Xuyên, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng: Trong quá trình thẩm định, nhân viên tín dụng thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo ngành nghề, giá cả thị trường, thông tin kinh tế - kỹ thuật; Khảo sát thực tế ngành nghề mà khách hàng đang kinh doanh để giúp cho công tác thẩm định luôn chính xác và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng phải đến tận nơi khách hàng tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh để khảo sát thực tế nhằm tránh tình trạng bị khách hàng lừa dối...

Nâng cao chất lượng huy động vốn: Thường xuyên nắm bắt và phản ánh kịp thời những diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ngoài việc đẩy mạnh huy động vốn tiền gửi dân cư, tiền gửi các tổ chức chính trị thì còn phải tổ chức thực hiện tốt việc huy động tiền gửi của các tổ chức kinh tế, DN, thông qua việc vận động mở tài khoản tiền gửi thanh toán nhằm hạ thấp lãi suất đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh ở lãi suất đầu ra, từ đó mở rộng hoạt động dịch vụ, tăng nhanh nguồn vốn huy động. Thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với ngân hàng...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình và DN: cần tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình và DN theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữ chính sách với thực tế triển khai. Xây dựng chính sách cho vay có hiệu quả, trong đó cần có những quy định rõ ràng về điều kiện, nguyên tắc thẩm định, thời hạn cho vay và thu hồi vốn lãi, quan trọng hơn nữa là có mức lãi suất vừa phù hợp với thị trường, vừa có thể thu hút được khách hàng...

Xây dựng chính sách quản lý nợ hợp lý, hiệu quả: Cán bộ tín dụng phải thường xuyên đến địa bàn kiểm tra, quản lý việc sử dụng vốn vay của khách hàng, hướng dẫn họ sử dụng vốn đúng mục đích. Cán bộ tín dụng phụ trách từng địa bàn cũng phải theo dõi chặt chẽ nợ đến hạn; Hàng tháng, cung cấp danh sách cho các tổ trưởng và phối hợp với tổ trưởng thông báo nợ đến hạn đến tận hộ vay. Ngân hàng thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của khách hàng để có hướng giải quyết kịp thời, hạn chế tối đa việc chuyển nợ quá hạn. Trường hợp xét thấy khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn phải báo cáo với lãnh đạo để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Phát triển chiến lược cho vay tiêu dùng và cho vay chung của ngân hàng theo chuỗi giá trị: Một trong các chiến lược cho vay nông nghiệp rất phổ biến và mang lại hiệu quả trên thế giới hiện nay là theo nguồn giá trị, tức là trên cơ sở nắm bắt được các cơ hội và rủi ro trong nông nghiệp, các phân tích và dự báo về từng thời kỳ cụ thể, tổ chức tín dụng sẽ lựa chọn cho vay theo các công đoạn, các khâu trong chuỗi giá trị. Ngân hàng có thể cho vay trước thu hoạch hay cho thể cung ứng nguyên liệu đầu vào theo hình thức tài trợ thương mại, phục vụ quá trình tiêu thụ, phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

Tăng cường kiểm soát nợ và hạn chế nợ xấu: Ngân hàng thường xuyên kiểm soát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, không để khách hàng sử dụng vốn sai mục đích; Chú trọng nâng cao khả năng dự đoán mức độ ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - xã hội để các ngành nghề kinh doanh của khách hàng vay vốn tại ngân hàng, nâng cao chất lượng thẩm định, thường xuyên có chính sách đào tạo cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn để hạn chế những sai sót trong việc phân tích, đánh giá sai khách hàng...

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên của ngân hàng: Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp cán bộ tín dụng cập nhật và nắm rõ những quy định, quy chế mới được ban hành để họ có kiến thức chuyên môn thật vững vàng. Cụ thể, tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ cho vay, cách thức quản lý rủi ro tín dụng, về kinh nghiệm xử lý tình huống, đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nền kinh tế thị trường và của quá trình hội nhập...

Nâng cao vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra: Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ cần được ngân hàng đẩy mạnh để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng, làm giảm tình trạng cán bộ tín dụng cho vay không đúng quy định của ngân hàng như: vượt hạn mức, không có tài sản đảm bảo, sử dụng vốn sai mục đích; Thực hiện kiểm tra giám sát toàn diện các mặt, ưu tiên đi sâu kiểm tra các chuyên đề, các lĩnh vực dẫn đến tiêu cực; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ kiểm tra, kiểm soát và tự chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của đơn vị.

Hiện đại hóa công nghệ thông tin: Tận dụng tối đa những ưu thế mà công nghệ mới mang lại. Ngân hàng cần trang bị và nâng cấp các chương trình phần mềm, xác lập hệ thống thông tin nội bộ, hoàn chỉnh đồng bộ để phục vụ kinh doanh, an toàn và hiệu quả, thuận lợi cho việc cung cấp thông tin kịp thời chính xác giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngân hàng một cách tốt nhất...

Đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới: Ngân hàng cần mở rộng mạng lưới hoạt động của đơn vị, hướng vào phân khúc khách hàng để chủ động mở rộng thị trường và chiếm thị phần lớn trong quá trình hội nhập; Mở rộng thêm phòng giao dịch để huy động nhiều hơn vốn nhàn rỗi của khách hàng và hỗ trợ đắc lực cho mảng dịch vụ bán lẻ; Chú trọng trang bị các trang thiết bị hiện đại, ấn tượng đặc trưng riêng đối với ngân hàng.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Agribank Long Xuyên, Báo cáo thường niên các năm giai đoạn 2017- 2019;

2. Bùi Diệu Anh (2013), Giáo trình Hoạt động kinh doanh ngân hàng, NXB Phương Đông;

3. Dương Hữu Hạnh (2012), Quản trị rủi ro ngân hàng, NXB Lao động;

4. Nguyễn Văn Tiến (2012), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Thống kê;

5. Nguyễn Đăng Dờn (2014), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, NXB Thống kê;

6. Sử Đình Thành, Vũ Thị Minh Hằng (2008), Nhập môn Tài chính – Tiền tệ, NXB Lao động - Xã hội.