Doanh nghiệp và hải quan - Hợp lực cùng phát triển
(Tài chính) Là chủ đề hội thảo do Tạp chí Vietnam Logistics Review ( VLR) – cơ quan của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 31/05/2013 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi hội thảo, doanh nghiệp cùng với các nhà hoạt động xuất nhập khẩu đã được các chuyên gia hải quan trong và ngoài nước, đại diện các Cục hải quan các địa phương cung cấp những thông tin và quy định mới nhất, hướng dẫn thủ tục pháp lý, các chính sách ưu tiên hải quan, trả lời các trao đổi… liên quan hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế của các doanh nghiệp liên quan.
Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận và tiến gần đến các điều kiện để trở thành một doanh nghiệp AEO, tạo điều kiện cho việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký VLA cho biết: “Hải quan và thủ tục hải quan là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu. Giải quyết tốt và đáp ứng kịp thời các quy trình thủ tục hải quan liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu là điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ngày nay, mối quan hệ hải quan, doanh nghiệp đã nâng lên thành quan hệ đối tác. Một mặt nhằm tăng cường hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan, mặt khác tạo thuận lợi thương mại và hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp vì sự phát triển của đất nước”.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Hải quan sửa đổi bổ sung đã pháp lý hóa nhiều vấn đề nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chủ hàng, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu cần được cập nhật thông tin và áp dụng hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của mình.
Một số lợi ích thiết thực từ cải cách các thủ tục hải quan đã và đang mang đến cho doanh nghiệp như: giảm thủ tục hải quan; áp dụng cơ chế công nhận, tự kê khai và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong thủ tục hải quan; thực hiện thông quan điện tử… đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực, chi phí và từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đặc biệt, “chế độ doanh nghiệp ưu tiên – AEO” - giấy thông hành cho doanh nghiệp trong thương mại quốc tế - đã được Tổng cục Hải quan nghiên cứu và áp dụng dựa theo khung doanh nghiệp được công nhận tiêu chuẩn (AEO) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Ông Trần Thoang, Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) đang giới thiệu về doanh nghiệp ưu tiên đến các doanh nghiệp. Nguồn: FinancePlus.vn
|
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 14 doanh nghiệp được công nhận “doanh nghiệp ưu tiên”. Trong đó trên 2/3 là doanh nghiệp FDI. Ngoài việc tạo thuận lợi tối đa khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, việc được công nhận là “doanh nghiệp ưu tiên” còn giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín và nâng cao vị thế trên thương trường.
Đánh giá về việc hải quan nước ta đang thực hiện “chế độ doanh nghiệp ưu tiên”, ông Đỗ Ngọc Nhựt - Giám đốc điều hành công ty Trường Nam Customs Broke cho biết: “Hơn 14 năm tồn tại của công ty đã chứng kiến nhiều đổi thay về chính sách, cải cách của ngành Hải quan nhưng đây sẽ là bước phát triển vượt bậc của hải quan nước ta trong những năm qua và đây cũng là một bước đi lớn để hòa vào xu hướng chung của hải quan thế giới. Trong thời gian tới, Trường Nam Customs Broke sẽ tăng cường tìm hiểu về các quy trình thẩm định và công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, các thủ tục pháp lý, quy trình trong việc công nhận là doanh nghiệp AEO nhằm tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu một cách nhanh chóng, đơn giản và an toàn cho hàng hoá đến nơi nhận cuối cùng”.