Tỉnh Đồng Nai:
Doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Hiện tại, 95% doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khôi phục sản xuất, phần đông người lao động đã trở lại nhà máy để làm việc. Thế nhưng, nhiều DN vẫn phải đối mặt với những rủi ro như dịch bệnh COVID-19, nguyên liệu đầu vào, công vận chuyển tăng cao…
Trong các KCN của tỉnh Đồng Nai có hơn 1,7 ngàn dự án đang hoạt động, gồm trên 1,2 ngàn dự án của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trên 500 dự án của DN có vốn đầu tư trong nước. Các dự án trên thu hút hơn 614 ngàn lao động tham gia làm việc trong các nhà máy.
Vẫn bất an với dịch bệnh
Đến nay, Đồng Nai và các tỉnh, thành trong cả nước đã nới lỏng các quy định và trở lại trạng thái “bình thường mới” gần 2 tháng. Nhiều DN đang trong quá trình phục hồi sản xuất, có những nhà máy đã nâng công suất lên 100%, nhưng cũng có nhà máy đạt 60-80%.
Người lao động đã được tiêm 1-2 mũi vaccine phòng COVID-19, nhưng DN vẫn “căng như dây đàn” trong việc phòng, chống dịch và duy trì sản xuất. Vì nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch để xuất hiện một vài ca F0, nguy cơ phải đóng cửa một dây chuyền đến cả phân xưởng sản xuất rất cao. Như vậy, các đơn hàng vừa nhận mới đưa vào sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Wu Minh Ying - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom), kiêm Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho hay: “Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các DN đang trên đà phục hồi khá nhanh. Nếu dịch bệnh COVID-19 được khống chế tốt, không xảy ra ca lây nhiễm trong nhà máy, DN sẽ yên tâm trong việc mở rộng sản xuất và nhận các đơn hàng mới cho dịp cuối năm và năm 2022. Nếu không may xảy ra dịch bệnh trong công ty thì rủi ro rất lớn vì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đơn hàng”.
Nhiều DN trong các KCN mới trải qua thời gian dài tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, nhiều đơn hàng đã chậm trễ nên việc tiếp tục chậm trễ đơn hàng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín với đối tác và nguy cơ mất các đơn hàng đang đàm phán rất cao.
Sau gần 2 tháng DN đề xuất Ban Quản lý các KCN Đồng Nai chấp thuận cho lao động đi, về hằng ngày thì gần đây nhiều DN lại đề xuất cho trở lại thực hiện phương án “3 tại chỗ” để giảm bớt nguy cơ dịch có thể bùng phát trong các nhà máy, vì nhiều khu dân cư tại TP. Biên Hòa, các huyện vẫn liên tục xuất hiện các ca F0.
Cụ thể, trong khoảng 1 tuần qua, hàng loạt DN như: Công ty CP Nông nghiệp Velmar (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom), Công ty TNHH Saite Power Source Việt Nam (KCN An Phước, H.Long Thành), Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Youngchang GST (KCN Hố Nai, H.Trảng Bom), Công ty TNHH Việt Nam Hilong Tech (KCN Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch)…đã đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” trở lại để đảm bảo sản xuất.
Cố gắng vượt qua khó khăn
Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí đưa người lao động trở lại làm việc gia tăng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến DN lo lắng, vì đa số các lĩnh vực sản xuất đều phải nhập khẩu nguyên liệu như: thức ăn chăn nuôi, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng…Không chỉ nguyên liệu nhập khẩu mà nguyên liệu trong nước cũng tăng cao do chịu tác động tăng giá của xăng dầu, công vận chuyển.
Bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: “DN đang cố gắng vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng cao để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, công ty cũng như nhiều DN khác sản xuất, kinh doanh hầu như không có lợi nhuận vì hàng loạt chi phí tăng cao nhưng giá bán sản phẩm lại khó điều chỉnh tăng tương ứng”.
Đây là DN sản xuất giày dép có thương hiệu tại Việt Nam với 90% sản phẩm tiêu thụ thị trường nội địa và 10% xuất khẩu nhưng cũng rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lê Văn Danh - Phó trưởng phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tỉnh vẫn tiếp tục nới lỏng quy định giúp DN thuận lợi hơn trong tình hình mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. DN đã được trao quyền chủ động trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất nên DN có thể cùng lúc áp dụng nhiều phương án cho phù hợp như: để lao động đi, về hằng ngày, thực hiện “3 tại chỗ”, áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.
Tỉnh Đồng Nai cũng “tăng tốc” cho tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động để giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan. Trong đó cũng quy định rõ những trường hợp không may xuất hiện F0 trong nhà máy và cách xử lý. Ví dụ như, trường hợp trong DN xuất hiện F0 trong dây chuyền sản xuất thì xử lý ở quy mô dây chuyền. Nếu xuất hiện F0 từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý quy mô toàn phân xưởng. F0 xuất hiện ở 2 dây chuyền trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý quy mô toàn phân xưởng sản xuất.
Trong thời gian tới, DN vẫn phải tiếp tục đối mặt với những rủi ro về dịch bệnh, giá cả nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, đơn hàng... Theo một số DN thì đây là khoảng thời gian rất khó khăn, bắt buộc phải tìm ra các giải pháp linh hoạt để vượt qua.