Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì khi gia nhập AEC

PV.

Các nhà đầu tư thuộc khu vực ASEAN đã đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành của Việt Nam, với 2.431 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn khách quan hơn về AEC. ảnh Financeplus.vn
Doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn khách quan hơn về AEC. ảnh Financeplus.vn

Trong hội nghị “ Một bước đệm tiến tới hội nhập sâu rộng cho các doanh nghiệp Việt Nam” đã nêu ra nhiều cơ hội cũng như thác thức cho DN Việt Nam khi bước vào AEC.

Nhiều cơ hội phát triển.

Tính đến nay, các nhà đầu tư thuộc khu vực ASEAN đã đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành của Việt Nam, với 2.431 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

Việt Nam đã đầu tư sang 8 quốc gia ASEAN với 522 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 9,74 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng số dự án và 51,2% vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, bất động sản, tài chính…, những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có nhiều tiềm năng hợp tác với các nước trong khu vực.

Việc trở thành một không gian sản xuất chung, một thị trường chung rộng lớn, thống nhất với dân số trên 600 triệu người và quy mô GDP hiện nay khoảng 2.400 tỷ USD, thì AEC sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, là khu vực xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới sẽ tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong các nước thành viên ASEAN mà không phải chịu sự phân biệt đối xử.

Nhờ đó, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn. Mặt khác, AEC tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN. Đánh giá của ILO và ADB cho thấy, là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và thịnh vượng trong thập niên tới

Ông Florian Beranek , chuyên gia cao cấp về trách nhiệm DN của UNIDO đánh giá thực hiện trách nhiệm DN có thể giúp DN Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh vào tạo sự khác biệt khi tham gia hội nhập. Trong một cộng đồng mà yếu tố con người được xem là trọng tâm như Asean thì trách nhiệm xã hội DN được xem là công cụ hữu hiệu gắn kết các bên liên quan, thể hiện sự tôn trọng đối với từng cá nhân trong cộng đồng. Nhất là chuẩn bị thời điểm cộng đồng DN Việt chính thức bước vào thị trường Asean đơn nhất.

Những cũng đầy thách thức

Theo số liệu thống kê mới nhất tại Việt Nam, có đến 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và 30% còn lại làm dịch vụ. Trong 70% doanh nghiệp sản xuất có đến hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này tập trung sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ.

Cũng phải nói thêm rằng, nhiều doanh nghiệp chỉ là xí nghiệp hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Số còn lại là doanh nghiệp sản xuất có tầm ảnh hưởng lớn thì vươn đến thị trường châu Âu, tập trung mạnh vào thị trường Mỹ, Nhật và chưa chú trọng nhiều đến thị trường các nước láng giềng. 30% doanh nghiệp dịch vụ còn lại thì có đến 20% doanh nghiệp dịch vụ nhỏ lẻ.

Thực tế trên cho thấy tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn chưa cao. Thực tế khảo sát còn cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi này. Chắc chắn sẽ có một giai đoạn trong quá trình hội nhập doanh nghiệp sẽ bị bất ngờ vì hàng hóa nước ngoài xâm lấn rất nhanh, nhiều đơn vị có thể rơi vào cảnh khó khăn.

Theo một số khảo sát gần đây, chỉ 30% doanh nghiệp của Việt Nam có nhận thức đầy đủ về AEC để lên kế hoạch nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Do vậy, để có lợi thế trong cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và thực hiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng mối lo về “bong bóng” giá tài sản và ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. Vì vậy, cần có các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính khi dòng vốn đảo chiều đột ngột.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn ( STAMEQ) nhận định: Gia nhập AEC, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ nhưng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rào cản khác, đặc biệt là rào cản kỹ thuật, hay tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ của Việt Nam, mà còn từng quốc gia trong khối Asean, thậm chí tiêu chuẩn chung của toàn AEC. Như vậy, gia nhập AEC không chỉ có cơ hội mà còn gặp nhiều khó khăn.